Ba năm chậm trễ gây lãng phí hơn 11 tỷ đồng. Cảng sông Phú Định khi hoạt động có thể gây kẹt xe do nằm ngay trong nội thành.
Dự án cảng sông Phú Định (phường 16, quận 8, TP.HCM) được ông Trần Thế Kỷ - Trưởng phòng Quản lý giao thông thủy (Sở GTVTTP.HCM) dự đoán phải đến cuối năm 2009 mới được đưa vào hoạt động giai đoạn một. Cảng sông này đang bộc lộ dần những khiếm khuyết về quy hoạch đô thị.
Ngổn ngang cầu tàu, kho bãi
Dự án cảng sông Phú Định do Công ty TNHH một thành viên Cảng sông TP.HCM (gọi tắt là Công ty Cảng sông TP) làm chủ đầu tư. Hạng mục quan trọng nhất của cảng là 29 cầu tàu, mỗi cầu tàu dài hơn 31 m. Khó khăn lớn nhất là việc nạo vét khu nước trước các cầu tàu đã được hoàn thành trong năm 2006. Nhưng đến nay, các cầu tàu này vẫn nằm chơ vơ trên sông Chợ Đệm. Một cầu tàu được đem cho một công ty tư nhân thuê làm nơi chuyển tải cát từ xà lan lên bờ. Các cầu tàu khác nằm phơi mình trong nắng mưa. Một số người dân thường hay ra đây để câu cá.
Một hạng mục quan trọng khác là 14 kho hàng phải được xây dựng đồng bộ với cầu tàu và đường vào cảng. Cuối năm 2006, gói thầu san lấp mặt bằng khu kho cảng vừa mới rục rịch khởi động đã phải ngưng để xem xét lại thiết kế. Đơn vị tư vấn thiết kế yêu cầu cát san lấp phải là loại cát vàng, hiếm, đưa từ miền Trung vào hoặc là cát mua từ Campuchia về. Cát hiếm giá cao, khối lượng sử dụng rất lớn làm dự toán của hạng mục san lấp khu kho bị đội lên.
Giữa năm 2007, UBND TP cho phép điều chỉnh thiết kế kỹ thuật đối với hạng mục nhà kho theo hướng thi công theo kết cấu đổ cát trong nước ở dưới, lu lèn, láng nhựa chờ lún thay vì phương án đóng cọc, đúc sàn bê-tông cốt thép do tư vấn thiết kế “vẽ” ra. UBND TP yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra công tác tư vấn, thẩm định hồ sơ, làm rõ và xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân đã làm thay đổi nhiều về quy mô khối lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật khu kho.
Đến nay, khu kho hàng này vẫn là một cái ao lớn và đang trong giai đoạn nạo vét bùn dưới đáy. Đầu ngoài ao, từ phía đường Hồ Học Lãm đi vào cảng, Công ty Cảng sông TP vẫn đang phải di dời những mộ nằm sâu dưới đất vừa được phát hiện.
Đường vào cảng sông Phú Định nối từ đường Hồ Học Lãm, chạy giữa hai bên khu cầu cảng và khu kho dài khoảng 800 m. Theo ông Trần Thế Kỷ, đường vào cảng đã được đấu thầu xong với giá bỏ thầu hơn năm tỷ đồng, thời gian thi công hơn ba tháng. Những ngày qua, con đường vào cảng này vẫn còn là đường đất với những hố sình lõm bõm nước. Trong khi đó, các xe thi công vẫn nằm án binh bất động. Theo đơn vị thi công, để Công ty Cảng sông TP làm xong các thủ tục sau đấu thầu, hợp đồng và thi công thì cũng mất khá nhiều thời gian nữa, chưa biết khi nào sẽ làm xong đường.
Nguy cơ xây xong phải đóng cửa
Tháng 3-2007, tại cuộc giám sát cảng sông Phú Định, ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP, cho biết việc dự án chậm trễ trong ba năm qua đã gây lãng phí hơn 11,2 tỷ đồng do phải trả lãi vay, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của thành phố. “Nếu cứ chậm trễ, kinh phí đầu tư cho dự án (470 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và vốn vay kích cầu) sẽ tăng lên gấp nhiều lần” - ông Hoàng nói.
Công trình cảng sông Phú Định còn bộc lộ dần những khiếm khuyết về quy hoạch đô thị. Sát bên hông cảng là khu tái định cư cùng các khu dân cư của phường 16 đang triển khai, sau lưng cảng là các khu dân cư dọc theo đại lộ Đông Tây đang hình thành. Các công trình dân cư này sẽ hoàn thành trước, đẩy cảng lọt vào giữa. Chưa kể là sau năm 2010, khi cảng Sài Gòn di dời về Hiệp Phước thì tàu thuyền sẽ không chọn tuyến kênh Tẻ, kênh Đôi, sông Chợ Đệm để lưu thông về miền Tây nữa thì sẽ làm mất vị trí đầu mối của cảng Phú Định. “Tình hình trên đẩy cảng Phú Định vào tình thế không phát huy hiệu quả và chúng ta lại phải giải tiếp bài toán kẹt đường do xe ra vào cảng lưu thông trên đường nội đô. Nguy cơ phải đóng cửa cảng như các cảng biển nằm trong nội đô là có thể” - một cán bộ Sở Quy hoạch-Kiến trúc nói.
Cầu cảng sông Phú Định được một số người dân
tận dụng làm nơi câu cá. Ảnh: Lưu Đức.
Theo kế hoạch, giai đoạn một của dự án cảng sông Phú Định sẽ hoàn thành vào năm 2007 với quy mô 20 ha trong tổng số 64 ha. Tổng mức đầu tư gần 470 tỷ đồng, dự kiến khoảng 2,5 triệu tấn hàng hóa thông quan mỗi năm. Dự án cảng sông Phú Định nhằm mục đích di dời tất cả bến bãi, kho hàng trong nội thành ra ngoại thành; tập trung mạng lưới cảng, bến bãi trên địa bàn thành phố về một mối thống nhất, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực phía nam. Cảng này còn đảm nhận trọng trách thay thế cảng Bình Đông.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP