Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân:
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiến hành tổng hợp, đánh giá tình hình tổ chức thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng.
Kết quả rà soát cho thấy, công tác cấp giấy phép xây dựng là công cụ quan trọng để quản lý quá trình đầu tư xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch và quản lý an toàn công trình. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành về giấy phép xây dựng còn tồn tại một số bất cập sau:
Theo quy định hiện hành, thông qua công tác cấp giấy phép xây dựng, Nhà nước mới chỉ quản lý được việc xây dựng theo quy hoạch, chưa kiểm soát được an toàn công trình xây dựng. Quy định này trước đây là phù hợp bởi vì trước khi cấp giấy phép xây dựng, nhà nước đã kiểm soát về an toàn công trình xây dựng thông qua việc thẩm định thiết kế kỹ thuật (theo quy định của Nghị định số 52/1999/NĐ-CP) hoặc thẩm định thiết kế cơ sở (theo quy định của Luật Xây dựng).
Tuy nhiên, để cải cách thủ tục hành chính, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản đã bỏ quy định về thẩm định thiết kế cơ sở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà giao trách nhiệm này cho người quyết định đầu tư, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước ở khâu cấp giấy phép xây dựng. Do vậy, cần phải bổ sung quy định Nhà nước kiểm soát an toàn công trình xây dựng ở giai đoạn cấp giấy phép xây dựng. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, cần bổ sung, làm rõ một số quy định về giấy phép xây dựng như: trình tự, thủ tục cụ thể về việc cấp giấy phép xây dựng; nội dung xem xét (thẩm tra) hồ sơ để cấp giấy phép xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cấp giấy phép di dời công trình; cấp giấy phép xây dựng theo từng loại công trình và theo giai đoạn; giá trị pháp lý của giấy phép xây dựng liên quan đến việc đăng ký sở hữu tài sản… Đồng thời, cần hạn chế những trường hợp được miễn giấy phép xây dựng nhằm bảo đảm được sự quản lý nhà nước đối với công trình xây dựng.
Mặt khác, qua kết quả rà soát các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010, một số thủ tục trong công tác cấp giấy phép xây dựng không còn phù hợp với yêu cầu thực tế, cần được đơn giản hóa như: thủ tục gia hạn giấy phép xây dựng; chứng minh nguồn gốc đất trong đơn xin giấy phép xây dựng… Bộ Xây dựng đã có văn bản số 2400/BXD-VP ngày 30/10/2009 báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Những quy định về giấy phép xây dựng tại
Nghị định số 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và
Nghị định số 83/2009/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP cần được nghiên cứu, chỉnh sửa những nội dung bất cập nêu trên. Tuy nhiên, nếu ban hành một Nghị định để sửa đổi, bổ sung hai Nghị định nêu trên thì sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng vì cùng một lúc phải sử dụng cả ba văn bản.
Do vậy, để điều chỉnh toàn diện và phù hợp với yêu cầu quản lý, yêu cầu thực tế của công tác cấp giấy phép xây dựng, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, dễ áp dụng các quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng sẽ gấp rút trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ trì xây dựng một Nghị định về giấy phép xây dựng. Nghị định này sẽ thay thế những quy định về giấy phép xây dựng tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP và Nghị định số 83/2009/NĐ-CP.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng