Top

Cẩn trọng với “chiêu” góp vốn mua đất

Cập nhật 02/07/2019 13:30

Không cơ sở hạ tầng, pháp lý chưa rõ ràng… nhưng nhiều dự án bất động sản đã được chủ đầu tư rao bán rầm rộ, huy động vốn bằng chiêu “đặt cọc giữ chỗ” khiến khách hàng điêu đứng.

Thực tế hiện nay, có nhiều chủ đầu tư các dự án chung cư, BĐS ở Quảng Ninh yếu về năng lực tài chính, cố tình “lách luật” để huy động vốn trong khi dự án chưa hoàn thành kết cấu hạ tầng theo quy định.

Nhiều dự án tại Quảng Ninh chưa đủ điều kiện bán đã "lách luật' thu rất nhiều tiền của người mua bằng "chiêu" góp vốn

"Lách luật" huy động vốn

Dự án biệt thự Đồi thủy sản 577 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh là một ví dụ điển hình cho sự “bát nháo” này. Theo đó, dự án Khu Biệt thự đồi Thủy Sản được xây dựng tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, do Công ty Cổ phần Đầu tư 577 làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô khoảng 12 ha, được chính thức khởi công vào đầu năm 2016, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018. Đây là dự án nằm trong khu vực trung tâm của TP Hạ Long, trên tuyến giao thông huyết mạch Quốc lộ 18.

Trước đó, dự án này đã bị tỉnh Quảng Ninh đình chỉ bởi chủ đầu tư rầm rộ rao bán khi chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo yêu cầu. Nhưng thay vì chấp hành thì nhà đầu tư vẫn tiếp tục rao bán. Nhiều người đã đổ tiền vào mua đất tại đây, tuy nhiên sau nhiều năm dự án này vẫn chỉ là quả đồi trọc với hạ tầng thiếu đủ thứ.

Hay như tại Dự án đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng khu dân cư đô thị mới phía Bắc cầu Bang do Công ty 508 làm chủ đầu tư. Hàng trăm khách hàng tham gia góp vốn mua đất. Nhưng, đã hơn 15 năm trôi qua, kể từ khi được phê duyệt, dự án này vẫn “treo”. Sự đình trệ của dự án đã gây ra không ít phiền toái, bức xúc cho người dân.

Gom góp được một chút ít vốn liếng chị Trần Mỹ Hạnh, phường Yết Kiêu (Hạ Long) chưa bao giờ nghĩ rằng việc mua nhà lại vất vả thế. Sau khi cân nhắc nâng lên đặt xuống, chị đã chốt một lô tại dự án, tuy nhiên do chưa đủ điều kiện mua bán, chị được nhân viên môi giới đưa về văn phòng để làm thủ tục bằng “chiêu” góp vốn.

“Thời điểm đó, do chưa có kinh nghiệm mua đất nên khi nghe thông tin về dự án cũng như hình thức mua quá đơn giản nên tôi đã không ngần ngại ký một văn bản thỏa thuận giao nhận tiền với giá trị là 50 triệu đồng. Nhưng đến nay đã 15 năm qua, dự án này chỉ là bãi đất hoang với cỏ mục cao hơn đầu người. Giờ đòi tiền thì đúng là khó hơn lên trời”, chị Hạnh nói

Một câu chuyện đáng buồn khác tại khu đô thị đồi chè, phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long. Chị Vũ Ngọc Bích, phường Hà Phong (Hạ Long) cũng tham gia mua đất với “chiêu” góp vốn trên. Nhưng, hơn 10 năm nay dự án này không hề triển khai gì.

Theo chị Bích “Dự án khu đô thị mới đang thi công phải dừng lại, doanh nghiệp đầu tư cũng khốn khổ vì mất rất nhiều khó khăn mới có thể san lấp mặt bằng, làm cơ sở xong hạ tầng chỉ chờ đưa vào khai thác nhưng bỗng dưng bị đình lại vì hiện tượng sạt lở”.

Lý giải cho việc dừng lại chị Bích cho biết, do phía dưới dự án còn nhiều than nên tỉnh đã giao đất lại cho tập đoàn TKV đánh giá thực trạng triển khai tận thu hết số than phía dưới. Tuy nhiên, đã 8 năm trôi qua TKV chưa có động thái nào.

Người mua hứng rủi ro

Luật sư Mai Thị Dung - Công ty luật sư Việt Phương, Hà Nội cho biết, khi mua nhà ở hình thành trong tương lai chưa đủ điều kiện sẽ có một số rủi ro lớn, như rủi ro về pháp lý; khách hàng thường chịu thiệt do phát sinh liên quan đến các vướng mắc thủ tục pháp lý của dự án trong suốt quá trình triển khai xây dựng…

Cũng theo bà Dung: “Ngoài ra, còn có rủi ro về phê duyệt dự án; trong quá trình thực hiện, dự án bị vướng mắc, thiếu sót dẫn đến dự án không được phê duyệt thì rủi ro về việc không bàn giao được nhà sẽ rất cao. Dự Khu đô thị Đồi chè là ví dụ. Lúc này chủ đầu tư đã sử dụng hết nguồn vốn để đầu tư dự án nên tiền trả lại cho khách hàng sẽ không còn. Vì vậy, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là người mua”.

“Khách hàng cần chủ động đàm phán các phụ lục và điều khoản bồi thường khi điều kiện bất khả kháng xảy ra đối với hợp đồng góp vốn. Chuẩn bị chu đáo cho tình huống thất bại lại chính là cách tốt nhất đảm bảo an toàn cho suất đầu tư bằng hợp đồng góp vốn này, mặc dù điều này có thể là kiêng kị với nhiều người đầu tư”, bà Dung nói.

Gần đây, Quảng Ninh thu hút được khá nhiều các tập đoàn lớn về đầu tư xây dựng. Tốc độ phát triển quá nhanh, giá đất tăng mạnh. Những khu đất ruộng, đất đồi tưởng như chẳng ai quan tâm thì nay được săn như săn vàng. Người dân quay cuồng trong cơn sốt đất, tiền được rót vào như mưa với những dự án mà chẳng biết thực hư sẽ đi đến đâu.

Câu chuyện trên chính là những bài học nhãn tiền, ngoài việc nhà đầu tư năng lực kém, trây ì thì những rủi ro không lường trước được trong qua trình triển khai xây dựng cũng là điều mà các nhà đầu tư thứ cấp nên tính toán, suy nghĩ cẩn trọng trước khi mua đất.

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN