Top

Cần Thơ: công nhân đông, chỗ ở chật

Cập nhật 28/05/2008 09:00

Hiện nay, công nhân đổ về làm các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP Cần Thơ ngày càng đông nên vấn đề chỗ ở dành cho đối tượng này ngày càng bức xúc.

Đại hội công đoàn TP Cần Thơ lần 8 vừa diễn ra đã nhấn mạnh vấn đề bức xúc nhất của người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay là nhà ở. Cần Thơ đã có kế hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân, tuy nhiên đến nay dự án còn dừng ở... chủ trương.

Phía sau đường Lê Hồng Phong - đoạn từ đèn đỏ trước cổng Khu công nghiệp Trà Nóc 1 đến cầu Sang Trắng (P.Trà Nóc, Q.Bình Thủy) có rất nhiều nhà trọ do người dân tự xây dựng cho công nhân thuê mướn ở.

Nhà trọ nhếch nhác

Cứ có mưa dù không lớn lắm nhưng con hẻm 38 đường Lê Hồng Phong đã ngập khá sâu nên khi công nhân tan ca phải lội bì bõm trong nước. Thu Hồng và Ngọc Mai (công nhân Công ty thủy sản Bình An) vừa mở cửa phòng đã "tá hỏa": nước tràn vào phòng lênh láng làm ướt mùng, chiếu và nhiều vật dụng trong phòng.

Với vẻ mặt mệt mỏi, Hồng than: "Hôm nay đi làm mệt lả người nhưng về phòng gặp cảnh như vậy càng oải thêm". Rồi mỗi người một việc: Hồng lấy đồ lau thấm nước trong phòng vắt ra ngoài và dọn dẹp các vật dụng đã thấm nước, còn Mai nấu cơm và làm đồ ăn. Cả hai dọn dẹp và cơm nước xong thì đã hơn 8g tối, mệt lả thế là đi ngủ sớm để lấy lại sức mai đi làm.

Khảo sát các nhà trọ quanh khu công nghiệp Trà Nóc 1, 2, Thốt Nốt... chúng tôi thấy hầu hết các dãy nhà trọ có không gian chật hẹp, phòng ốc ọp ẹp, nhỏ và ẩm ướt, không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Mùa này mưa đã bắt đầu nên càng tồi tệ thêm. Nguyễn Thành Hậu (đang trọ gần Khu công nghiệp Thốt Nốt, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt) than: "Xung quanh đây có nhiều ao nước tù đọng đen ngòm, mỗi khi mưa tràn lên rất hôi. Còn nếu lúc trời nắng thì hầm và nực nội".

Các phòng trọ gần các khu công nghiệp có nhiều giá khác nhau. Thấp nhất khoảng 250.000 đồng/tháng và cao nhất 500.000 đồng. Đa số phòng từ 2-3 người ở, thậm chí bốn người. "Công nhân mà, lương đâu có bao nhiêu nên đâu dám ở một mình một phòng. Cả ba đứa em cùng quê và làm cùng một công ty "ém" vô một phòng chừng 14m2. Dù có chật nhưng đi làm về thì mệt lả nên cũng dễ ngủ” - Nam, công nhân Công ty TNHH Đại Tây Dương, tâm sự.

Dừng ở chủ trương

Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp và khu chế xuất Cần Thơ, hiện nay trên địa bàn TP có năm khu công nghiệp, số lượng công nhân đổ về làm ngày càng đông. Tổng số lao động làm việc tại các khu chế xuất và khu công nghiệp tính đến cuối năm 2007 là trên 26.000 người (tăng 23% so với năm 2006), còn đến nay số công nhân đã tăng thêm khoảng 2.000 nữa. Số lượng công nhân tập trung nhiều ở các khu công nghiệp Trà Nóc 1 và 2, Khu công nghiệp Thốt Nốt.

Ông Võ Thanh Hùng - trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp Cần Thơ - cho biết hiện nay vấn đề nhà ở cho công nhân hết sức bức xúc. Tuy vậy, đến nay các khu công nghiệp Cần Thơ vẫn chưa xây dựng được khu nhà ở tập trung cho công nhân. Theo ông Hùng, khó khăn lớn nhất hiện nay về vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân là khi Nhà nước giao đất hoặc cho thuê lại đất thô thì nhà đầu tư không có vốn để bồi hoàn giải tỏa, giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà ở.

Cụ thể: khu tái định cư Chùm Hồi 118 mặc dù ban quản lý đã kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư nhưng hầu hết các nhà đầu tư sau khi tính toán thì dự án có số vốn lớn, thu hồi chậm, thời gian kéo dài... nên nhà đầu tư không thực hiện. "Để giảm bớt khó khăn về nhà ở cho công nhân, ban quản lý đã chỉ đạo công ty xây dựng hạ tầng khu công nghiệp dành 50% diện tích của khu tái định cư 10ha đã được UBND TP Cần Thơ qui hoạch làm khu nhà ở cho công nhân. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động Cần Thơ cũng có kế hoạch xây dựng 1.000 căn hộ cho công nhân, nhưng rất tiếc đến nay chưa dự án nào triển khai"- ông Hùng nói.

Trưởng ban chính sách kinh tế - xã hội (Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ) Phan Thông Huấn cho biết: "Trước đây chúng tôi có khảo sát thực trạng về nhà ở của công nhân lao động khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn Cần Thơ. Qua đó cho thấy số công nhân lao động thiếu nhà ở các khu chế xuất, khu công nghiệp lên đến 70%".