Ngày 14-9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn thiện báo cáo rà soát Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005.
Báo cáo của nhóm chuyên gia đề cập đến 91 vấn đề doanh nghiệp (DN) đang vướng mắc khi áp dụng các quy định của BLDS, đồng thời đưa ra các khuyến nghị, đề xuất khi xem xét sửa đổi, bổ sung BLDS 2005.
Một bất cập được các chuyên gia nhấn mạnh là quy định bất hợp lý về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán bởi quy định như vậy chẳng khác nào khuyến khích vi phạm. Cụ thể, khoản 2 Điều 305 quy định trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố… Trong khi thực tế, mức lãi suất cơ bản luôn thấp hơn mức lãi suất huy động vốn và thấp hơn rất nhiều so với mức lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng…
Quy định về lãi suất tối đa trong hợp đồng vay cũng được đánh giá là không phù hợp. Khoản 1 Điều 476 quy định “lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Liên quan đến vấn đề này, tháng 2-2010, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 07 hướng dẫn cho phép các tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất thị trườngđồng thời tạo ra hai mặt bằng pháp lý đối với hoạt động cho vay: Tổ chức tín dụng cho vay theo lãi suất thị trường, còn các tổ chức, cá nhân khác cho vay theo lãi suất quy định tại BLDS. “Điều này tạo ra sự không thống nhất trong hệ thống pháp luật, đồng thời vẫn không loại trừ được rủi ro của các tổ chức tín dụng do Thông tư 07 có hiệu lực thấp hơn BLDS và vì vậy hợp đồng tín dụng của họ có thể bị tuyên vô hiệu bất kỳ lúc nào” - bà Trần Thị Quang Hồng nói.
Góp ý cho báo cáo, luật sư Lê Quốc Đạt, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trí Tuệ, cho rằng giao dịch tài sản chưa có thật hoặc tài sản sẽ hình thành trong tương lai là một vấn đề cần được BLDS quan tâm đúng mức. “Thực tế có những giao dịch bất động sản bị chiếm dụng vốn với số lượng lớn, kéo dài hàng năm trời, nhà đầu tư khi đòi được gốc qua nhiều lần hẹn và nhiều lần trả nhỏ giọt đã toát mồ hôi, không dám hoặc không còn sức để đòi lãi không kỳ hạn đã bị chủ đầu tư chiếm dụng. BLDS sửa đổi cần bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc và các chế tài cụ thể cho các loại giao dịch tài sản chưa có thật, chưa hình thành để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên” - luật sư Đạt kiến nghị.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP