Top

Cần nhiều hơn nữa điểm đỗ xe ngầm

Cập nhật 20/04/2016 09:43

Bình quân mỗi năm, Hà Nội có thêm hơn 200.000 phương tiện giao thông cá nhân. Trong khi đó, tại nhiều khu đô thị mới, trung tâm thương mại, phương tiện giao thông chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, vườn hoa, sân chơi. Trong khu vực đô thị lõi, nơi nào xuất hiện trung tâm thương mại, lập tức xảy ra ùn tắc giao thông.

Mới đây, khi xem xét chủ trương đầu tư Khu đô thị mới Đại Kim, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã nhấn mạnh yêu cầu, mỗi nhà cao tầng phải có tối thiểu 3 tầng hầm để giải quyết nhu cầu của chính dự án và khu vực xung quanh. Quan điểm này đã nhận được sự đồng tình của giới chuyên gia quy hoạch đô thị. Hà Nội cần nhiều điểm đỗ xe ngầm.

Nhiều trung tâm thương mại, khu vui chơi công cộng thiếu diện tích đỗ xe nên các phương tiện phải tràn ra lề đường. Ảnh: Khánh Huy

Điểm đỗ xe chỉ đáp ứng 8-10% nhu cầu

Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 8-10% nhu cầu. Số phương tiện còn lại phải tìm nơi để xe tại các chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, lòng đường, vỉa hè… Điểm trông giữ xe tự phát xuất hiện ngày càng nhiều không chỉ vi phạm trật tự giao thông mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Một thực tế khác, trong mạng lưới điểm đỗ xe có phép, không nhiều điểm được đầu tư hiện đại (xây thành hầm hay cao tầng để tiết kiệm diện tích), chủ yếu là sử dụng vỉa hè, lòng đường, chất lượng dịch vụ kém, không bảo đảm an toàn, gây khó khăn trong quản lý...

Tại các tuyến phố như Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Bà Triệu, Nguyễn Du, Trần Thái Tông… rất khó có thể tìm được chỗ đỗ xe. Quanh nhiều tòa tháp cao tầng trong khu vực nội đô, phổ biến tình trạng xe máy để tràn ra vỉa hè. Nơi không được đỗ xe cánh taxi thường chạy chậm, lòng vòng đón khách, gây cản trở giao thông. Vào những đợt cao điểm, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra thì lòng đường, vỉa hè thông thoáng, nhưng sau đó, đâu lại vào đấy.

Tình trạng thiếu điểm đỗ xe cũng phổ biến tại các khu đô thị mới. Ông Nguyễn Đình Nghĩa, cư dân nhà NO9-11, Khu đô thị Dịch Vọng (Cầu Giấy) cho biết: "Chung cư có hầm để xe nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu nên người dân phải bốc thăm. Người không may mắn thì phải tìm chỗ đỗ xe bên ngoài". Ông Nguyễn Lương Ngọc, sống tại chung cư T18 Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính phản ánh: Tầng hầm không đủ chỗ để xe nên người dân phải chấp nhận đỗ xe trên vỉa hè, hoặc khuôn viên xung quanh tòa nhà, không có mái che mưa nắng. Đấy là nơi còn có không gian, với những nơi mật độ xây dựng cao, chủ xe chỉ biết "dở khóc dở mếu"...

Không mới nhưng phải có giải pháp quyết liệt

Khi xem xét chủ trương đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Đại Kim (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã nhấn mạnh yêu cầu: Mỗi chung cư cao tầng phải có tối thiểu 3 tầng hầm để đáp ứng yêu cầu của dự án và một phần nhu cầu của khu vực, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với khu vực xung quanh. Nhiều nhà kiến trúc cho rằng: Đây là chủ trương đúng và lẽ ra phải được thực hiện từ lâu nhằm góp phần giải quyết sự thiếu hụt về giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố, mà trước hết là cho chính các dự án. Theo quy chuẩn đối với nhà ở thương mại, cứ 100m2 diện tích sử dụng phải bố trí tối thiểu 20m2 chỗ để xe; đối với nhà ở xã hội, cứ 100m2 diện tích sử dụng căn hộ, phải bố trí tối thiểu 12m2 chỗ để xe… Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư không xây dựng hầm để xe mà tận dụng ngay sàn tầng 1 để giảm chi phí đầu tư.

Theo Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm, chuyện thiếu điểm đỗ không phải vấn đề mới. Nhiều đô thị lớn trên thế giới như Praha (CH Séc), Paris (Pháp), London (Anh) đều phải đối mặt với tình trạng này. Những đô thị này đã hình thành từ lâu, khi chưa có nhiều ô tô. Sau này, tốc độ đô thị hóa mạnh, họ đã có nhiều giải pháp quyết liệt như tăng phương tiện giao thông công cộng, xây dựng các hầm để xe tại công viên, quảng trường. Tại các tuyến phố chính thì tổ chức điểm đỗ xe thông minh, sử dụng thang vận đưa xe lên tầng cao của tòa nhà...

"Còn với những đô thị hiện đại sau này, như thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), việc xây dựng chung cư cao tầng hay văn phòng, đều phải bảo đảm có đủ chỗ đỗ xe cho cư dân. Những tòa nhà chung cư, khách sạn hay công sở, ngoài 2-3 tầng hầm, còn có từ 2 đến 3 tầng phía trên dành để đỗ xe. Các trung tâm thương mại thường có tới 5 tầng hầm hoặc có nhà cao tầng riêng cho giao thông tĩnh. Ở TP Bắc Kinh, cơ quan chức năng xây dựng nhà khung thép 3 tầng, kết cấu đơn giản, lắp ghép nhanh chóng dùng để đỗ xe" - ông Phạm Sỹ Liêm nêu ví dụ.

"Tôi nghĩ Hà Nội cần chú trọng đến điều này" ông Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh: “Việc Hà Nội đồng ý chủ trương xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Thống Nhất (số 295 Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng) là phù hợp. Cùng với yêu cầu nhà cao tầng phải có tối thiểu 3 tầng hầm, Hà Nội nên đầu tư nhiều điểm đỗ xe ngầm hoặc cao tầng, vừa đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân, vừa phù hợp với tiêu chí thành phố văn minh, hiện đại". Hà Nội cần thêm nhiều điểm đỗ và ưu tiên đầu tư các điểm đỗ xe ngầm là giải pháp cần thiết trong tiến trình phát triển đô thị.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt Hà Nội, trong năm 2015, lực lượng CSGT đã cấp đăng ký mới cho 246.480 phương tiện. Con số này so với năm 2014 tăng 20.495 phương tiện. Như vậy, lượng phương tiện hoạt động trên địa bàn không ngừng gia tăng, số lượng xe ô tô cá nhân tăng khoảng 17%/năm, xe máy tăng khoảng 11%/năm. Bình quân hằng tháng, trên địa bàn thành phố có từ 6.000 đến 8.000 ô tô đăng ký mới và dự báo, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có khoảng 1 triệu ô tô...


DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới