Hiện nay TPHCM chỉ có thể áp dụng biện phát sạt đâu chống đó. |
Để ngăn chặn triệt để nguy cơ sạt lở bờ sông đồng thời đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển các ngành kinh tế liên quan, TPHCM cần gần 4.000 tỷ đồng để chỉnh trị hệ thống sông, rạch.
Hiện nay, TPHCM có khoảng 975 km sông, kênh, rạch. Đây là một lợi thế giúp phát triển TP trong những ngày đầu xây dựng. Tuy nhiên, đến nay thì hệ thống sông, rạch này không được khai thác hiệu quả cho công tác vận tải, điều hoà khí hậu, tăng tính mỹ quan... mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; đặc biệt là nguy cơ sạt lở bờ sông, rạch đe doạ cuộc sống hàng ngàn hộ gia đình.
Trong những năm gần đây, tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch xảy ra ngày càng nghiêm trọng, số vụ tăng hàng năm, xảy ra trên diện rộng và quy mô ngày càng lớn. Tính đến nay thì TP đã có đến 114 vị trí có nguy cơ sạt lở cao.
Tuy Khu Đường sông (thuộc Sở GTVT TPHCM) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để thực hiện 14 dự án chống sạt lở với tổng chiều dài hơn 4.000m bờ kè và đang tiếp tục đầu tư 13 dự án khác với tổng chiều dài hơn 3.000m bờ kè, nhưng hiệu quả đạt được vẫn chưa cao.
Theo tiến sĩ Đinh Công Sản, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai (Viện Khoa học Thuỷ lợi Miền Nam) thì đó chỉ là giải pháp tình thế là sạt lở ở đâu thì chống ở đó, không tuân theo một quy hoạch chỉnh trị nào. Phương pháp này rất dễ xảy ra mâu thuẫn, bởi chống sạt lở nơi này rất có thể sẽ gây ra sạt lở ở nơi khác. Như vậy sẽ rất lãng phí và không phù hợp với quy hoạch lâu dài.
Do đó, Viện cùng Khu Đường sông đề xuất khảo sát địa chất bờ, hướng chảy, quy luật xói bồi của tất cả các dòng sông, kênh, rạch trên địa bàn TP. Từ đó xây dựng nên một quy hoạch tổng thể để chỉnh trị triệt để hệ thống sông, kênh, rạch này.
Theo TS Đinh Công Sản thì “quy hoạch chỉnh trị sông rạch, trước hết là nghiên cứu sự phát triển của hình thái sông, lợi dụng xu thế phát triển (xói, bồi) của sông rạch để đưa ra một kế hoạch nhằm uốn nắn, làm ổn định thế sông thông qua các công trình chỉnh trị hợp lý”.
Ông khẳng định là quy hoạch này sẽ đảm bảo được lợi ích tổng hợp. Nghĩa là nó sẽ nghiên cứu cả tác động đến các ngành kinh tế khác như thuỷ lợi (tiêu thoát lũ, lấy nước), phát triển giao thông thuỷ (quy mô luồng tuyến), giao thông bộ (hệ thống cầu qua sông), phát triển hạ tầng du lịch... Quy hoạch phải đảm bảo sự phát triển của các ngành kinh tế trên.
Để chỉnh trị toàn bộ hệ thống sông, kênh, rạch của TP với tầm nhìn hàng trăm năm, theo Viện Khoa học Thuỷ lợi Miền Nam thì cần phải làm bờ kè bảo vệ 10% chiều dài hệ thống này (tính cả 2 bờ), là khoảng 107 km. Kinh phí cho công việc này theo dự kiến là khoảng 3.745 tỷ đồng.
Theo TS Đinh Công Sản thì có những khu vực không cần phải làm bờ kè mà cần khôi phục hệ thống cây xanh để trở thành những khu du lịch sinh thái, cải thiện môi trường TP. Cũng có những khu vực cần kênh hoá hoàn toàn (kè cố định suốt tuyến), không chỉ chống sạt lở mà còn cải tạo cảnh quan, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch của người dân.
Ngoài việc giúp TP phá thể bị động khi chống sạt lở, với quy hoạch này, các ngành kinh tế khác khi đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng như cầu, cống thoát nước, khu dân cư ven kênh... cũng sẽ có cơ sở đầu tư thống nhất, cơ quan chức năng cũng dễ quản lý hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí