Bộ Xây dựng chính thức đưa ra đề xuất cấm phân lô, bán nền, bán nhà xây thô trình Thủ tướng Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) mặc dù đã có thời gian dài chuẩn bị, nhưng vẫn không tránh khỏi “sốc” trước thông tin này.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho rằng, đây là chủ trương cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nếu không làm mạnh việc xóa bỏ phân lô, bán nền thì lợi ích sẽ chỉ phục vụ cho các chủ đầu tư và giới đầu cơ, trong khi rủi ro và thiệt hại sẽ luôn rơi vào người tiêu dùng.
Việc cấm phân lô, bán nền đã được quy định trong Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai: Doanh nghiệp chỉ được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với diện tích đất đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án được xét duyệt. Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở có dự án thành phần, thì được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi đã hoàn thành việc đầu tư được xét duyệt. Không cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức bán nền mà chưa xây dựng nhà ở (Khoản 1, 2 và 3, Điều 100, Chương X).
Theo ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch câu lạc bộ BĐS Hà Nội, mặc dù chủ trương cấm phân lô, bán nền gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS, nhưng lại là cơ hội cho những doanh nghiệp có tiềm lực thực sự. Trước mắt việc cấm phân lô, bán nền sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ cũng như thực trạng hoang hóa ở các khu đô thị hiện nay. Đặc biệt khi chủ trương này được áp dụng sẽ loại bỏ được chủ đầu tư yếu kém về nguồn vốn. Qua đó, hạn chế được dòng tiền không bị “đọng” vào BĐS quá lâu, khách hàng cũng giảm thiểu được rủi ro khi tham gia dự án.
Mặt khác, chủ đầu tư phải cam kết hoàn thiện toàn bộ sản phẩm cuối cùng tới tay người mua, đồng thời cũng tránh được tình trạng người muốn mua, nhưng không quen chủ đầu tư, không mua được đất giá gốc; hoặc người mua không có nhu cầu sử dụng để đất hoang hóa, nhà xây thô không có nhu cầu để ở nên không hoàn thiện, dẫn tới sự lãng phí, méo mó trong tổng thể cảnh quan.
Biện pháp này sẽ phát huy tác dụng đối với chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, bằng nhiều hình thức tiết lộ thông tin bán trước khi được phép; hoặc chủ đầu tư không có kinh nghiệm kết hợp với nhà đầu tư thứ phát, không giữ đúng cam kết, lộ trình dự án để huy động vốn.
Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT - cho rằng, đề xuất xóa bỏ chia lô, bán nền không mới, việc này đáng lẽ phải được tiến hành từ lâu. Nhưng thực tế có sự bắt tay ngầm giữa chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, vì vậy tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, giới đầu cơ vi phạm pháp luật. Hệ lụy là rất nhiều các khu đô thị bị hoang hóa.
Ông Tống Văn Nga - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - cho biết, hiệp hội sẽ có văn bản chính thức về vấn đề này lên cơ quan có thẩm quyền sau khi tập hợp đầy đủ các ý kiến của các doanh nghiệp hội viên.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Công Thương