Top

Các doanh nghiệp ngành Xây dựng đạt 102% kế hoạch

Cập nhật 09/12/2008 14:30

Đây là ước tính của Bộ Xây dựng về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ trong năm 2008. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của các DN thuộc Bộ tiếp tục được duy trì cao hơn năm 2007. Việc chuyển đổi sang mô hình Cty mẹ - Cty con bước đầu đã tạo ra mô hình quản lý DN mới, phù hợp với cơ chế thị trường, đa dạng về loại hình DN và đa sở hữu, tập trung phát triển, tích tụ vốn và lợi nhuận của DN.

Tốc độ tăng trưởng tiếp tục tăng

Năm 2008 ước tổng giá trị SXKD của các DN đạt 102.219 tỷ đồng, bằng 102% so với kế hoạch năm, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó giá trị xây lắp đạt 46.191,8 tỷ đồng, bằng 101,3% so với kế hoạch năm, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2007. Giá trị sản xuất CNVLXD đạt 33.586 tỷ đồng, bằng 101,8% so với kế hoạch năm, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2007. Giá trị tư vấn đạt 1.702,2 tỷ đồng, bằng 109,1% so với kế hoạch năm, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2007. Giá trị SXKD khác (bao gồm cả kinh doanh nhà và hạ tầng) 19.382,9 tỷ đồng, đạt 103,2% kế hoạch năm, tăng 14,2% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, ước thực hiện nhập khẩu đạt khoảng 789,2 triệu USD, bằng 117,8% so với kế hoạch năm, tăng 46,2% so với cùng kỳ năm 2007, nhập khẩu chủ yếu vẫn là máy móc thiết bị và clinker. Xuất khẩu đạt khoảng 214,5 triệu USD, bằng 104% so với kế hoạch năm, tăng 89,6% so với cùng kỳ năm 2007. Sản xuất xi măng toàn ngành ước đạt 39 - 40 triệu tấn, hoàn thành kế hoạch năm (40 triệu tấn), đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Góp phần kiềm chế lạm phát


Thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đề ra, Bộ Xây dựng cũng chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai nghiêm túc các giải pháp. Theo đó, kế hoạch đầu tư của các đơn vị sau khi rà soát là 34.552 tỷ đồng, giảm 5.628 tỷ đồng (14%) so với chỉ tiêu đăng ký từ đầu năm (40.180 tỷ đồng). Số lượng các dự án sau khi rà soát là 477 dự án, giảm 31 dự án so với số dự án đăng ký từ đầu năm (508 dự án), trong đó: Đình hoãn 91 dự án (giảm 2.149 tỷ đồng), giãn tiến độ 125 dự án (giảm 6.922 tỷ đồng) và đưa mới vào danh mục 62 dự án (bổ sung 1.822 tỷ đồng). Có 68 dự án được bố trí tăng vốn để đẩy nhanh tiến độ (tăng thêm 1.621 tỷ đồng). Như vậy, ước giá trị thực hiện đầu tư năm 2008 là 35.061 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2007.

Đặc biệt, lĩnh vực đầu tư xi măng, các đơn vị (Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Tổng Cty Sông Đà, FiCO) đã khẩn trương, tập trung huy động nguồn lực để hoàn thành các dự án, sớm đưa vào hoạt động trong năm 2008 và 2009 nhằm đảm bảo kế hoạch huy động công suất theo quy hoạch, góp phần bình ổn thị trường xi măng. Dự kiến trong năm 2008 sẽ có 11 nhà máy, dây chuyền xi măng mới đưa vào hoạt động với công suất 12,28 triệu tấn.

Trong lĩnh vực phát triển nhà và đô thị, thị trường BĐS sau một thời gian phát triển nóng đã có biểu hiện chững lại và suy giảm, cùng với việc các ngân hàng xiết chặt việc cho vay để đầu tư bất động sản, lãi suất huy động tăng cao nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả dự án và việc huy động vốn để thực hiện dự án của các đơn vị. Một loạt dự án phát triển KĐTM trên địa bàn tỉnh Hà Tây đang trong giai đoạn nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư. Việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô cũng ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chuẩn bị đầu tư và tiến độ thực hiện của một số dự án.

Một số đơn vị cũng đã có phương án chủ động về nguồn vốn để đảm bảo tiến độ thực hiện của dự án trọng điểm trong trường hợp Ngân hàng giãn tiến độ cho vay (Thuỷ điện Đăk Mi 4, Đăk tirh, Xi măng Tây Ninh). Những khó khăn chủ yếu trong việc thực hiện các dự án đầu tư của các đơn vị đó là giá cả VLXD tăng cao, khó lường, khó khăn trong việc huy động vốn, do chính sách đền bù của các địa phương còn nhiều bất cập, chủ đầu tư lúng túng trong quá trình điều chỉnh TMĐT, dự toán công trình nên tiến độ thực hiện của một số dự án bị chậm so với kế hoạch.

Sau khi Bộ ban hành Thông tư số 09/2008/TT-BXD hướng dẫn điều chỉnh dẫn giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng, tình hình đã được cải thiện. Tuy nhiên, do có một số điểm trong Thông tư hướng dẫn chưa rõ nên đã gây lúng túng cho chủ đầu tư và các nhà thầu khi áp dụng.

Đình hoãn nhiều dự án

Về phát triển nhà, hạ tầng kỹ thuật đô thị: Có 225 dự án với kế hoạch đầu tư sau điều chỉnh là 8.410 tỷ đồng (chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư trong kế hoạch năm), giảm 1.857 tỷ đồng (18%) so với kế hoạch đầu năm. Đình hoãn, chưa khởi công 38 dự án (giảm 709 tỷ đồng). Giãn tiến độ thực hiện của 70 dự án (giảm 2.391 tỷ đồng), bổ sung mới 25 dự án với kế hoạch đầu tư là 568 tỷ đồng. Bố trí bổ sung 675 tỷ đồng cho 35 dự án để đẩy nhanh tiến độ.

- Xi măng: Có 24 dự án với kế hoạch đầu tư sau khi điều chỉnh là 12.475 tỷ đồng (chiếm 35,6% tổng vốn đầu tư trong kế hoạch năm), giảm 546 tỷ đồng. Có 5 dự án thay đổi kế hoạch đầu tư (trong đó có 4 dự án giãn tiến độ và một dự án được đẩy nhanh tiến độ - Dự án xi măng Tây Ninh tăng thêm 262 tỷ đồng so với kế hoạch đã đề ra).

- Sản xuất VLXD khác: Có 31 dự án với kế hoạch sau khi điều chỉnh là 519 tỷ đồng (chiếm 1,5%), tăng 148 tỷ đồng. Đình hoãn, chưa khởi công trong năm 2008 là 9 dự án và đưa mới vào danh mục 6 dự án.

- Nhà máy điện: Có 41 dự án với kế hoạch đầu tư sau khi điều chỉnh là 4.992 tỷ đồng (chiếm 14,09% tổng vốn đầu tư trong năm), giảm 2.281 tỷ đồng. Giãn tiến độ 23 dự án và đình hoãn 10 dự án, bổ sung mới 3 dự án. Đây là lĩnh vực được điều chỉnh giảm nhiều nhất so với chỉ tiêu đã đăng ký.

- KCN tập trung: Có 24 dự án với kế hoạch đầu tư sau khi điều chỉnh là 1.193 tỷ đồng (chiếm 3,4% tổng vốn đầu tư trong năm), tăng 98 tỷ đồng Trong đó, đưa mới vào danh mục 4 dự án và hầu hết các dự án đều được đẩy nhanh tiến độ, có 2 dự án giãn tiến độ.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng