Top

Bộ Xây dựng kiểm tra mái dột tại nhà ga Nội Bài

Cập nhật 12/09/2008 16:00

Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) vừa cử đoàn kiểm tra tới làm việc tại nhà ga T1, sân bay Nội Bài. Dự kiến trong vài ngày tới sẽ có kết luận cuối cùng.

Ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho hay đoàn kiểm tra đã có mặt tại nhà ga T1 và sẽ có báo cáo trong vài ngày tới. Bộ Xây dựng quyết định kiểm tra tại sân bay Nội Bài sau khi có thông tin phản ánh về tình trạng dột kéo dài ở đây.

Trao đổi với PV, các chuyên gia xây dựng và những người từng theo dõi quá trình xây dựng nhà ga T1 cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân việc mái bị hư hỏng để biết được trách nhiệm của các bên trong công trình này.

Cục trưởng Cục Hàng không Phạm Quý Tiêu cho rằng, vấn đề nằm ở khâu thiết kế công trình. "Với điều kiện thời tiết ở Việt Nam mà lại xây mái vòm dùng kính thì làm sao đảm bảo được", ông Tiêu nói.

Nguyên tổng giám đốc Hãng hàng không Pacific Airlines (cũ) - Lê Văn Trung - người từng giữ trọng trách trong Cục Hàng không dân dụng cũng phán đoán nguyên nhân có thể xuất phát từ thiết kế và thi công kém.

Vật liệu xây dựng không tốt, không phù hợp với điều kiện khí hậu của VN cũng góp phần làm cho nhà ga xuống cấp nhiều hơn.

Trong khi đó, nguyên Cục trưởng giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Trần Chủng cho rằng, trước hết cần hình dung được mức độ và tình trạng cụ thể của của sự cố dột mái nhà ga T1.

"Cần xem xét công trình được thiết kế cũng như từng hạng mục có tuổi thọ bao lâu, để biết được đã đến lúc để thay thế các vật liệu hay chưa", ông nói.

Mặt khác, theo ông, cần tính đến việc các vật liệu được sử dụng có phù hợp với công trình và điều kiện khí hậu nóng ẩm và chênh lệch nhiệt độ lớn như tại miền bắc Việt Nam hay không. Ông nhận xét, vật liệu đã được sử dụng tại công trình này một cách "tùng tiệm" hơn mức cần thiết.

Cũng theo ông, công tác bảo trì của đơn vị khai thác nhà ga T1 cần được xem xét. Theo Nghị định 209 năm 2004, sau mỗi 5 năm, đơn vị khai thác các công trình dân dụng phải bảo dưỡng, bảo trì công trình.



Những vết nứt trên kính của phần mái nhà ga T1. Ảnh: Hoàng Hà.


Bản thân Kiến trúc sư Lương Anh Dũng - người thiết kế nhà ga T1cũng nghiêng về giả thiết phần mái của nhà ga T1 bị dột do chất lượng nguyên vật liệu không đủ chất lượng và quy trình bảo dưỡng không đảm bảo. "Chất lượng công trình phụ thuộc nhiều vào chất lượng vật tư và cả kinh nghiệm của nhà thầu", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, nếu phần mái của nhà ga T1 được lắp đặt bằng kính cường lực, hay kính cản quang để hạn chế tác động của bức xạ nhiệt, hoặc bất kỳ loại kính an toàn nào, thì tuổi thọ của hạng mục sẽ kéo dài hơn và tránh được các sự cố. Mặt khác, vị kiến trúc sư tiếp tục nhấn mạnh, quá trình bảo dưỡng nhà ga có thể là nguyên nhân.

Nhà ga T1 được đưa vào sử dụng từ năm 2001, với tổng vốn đầu tư khoảng 72 triệu USD. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư và nhà thầu cũng chưa quyết toán được công trình do vướng mắc về hồ sơ ở cả 2 phía. Tổng thầu theo chỉ định là Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng - Licogi (Bộ Xây dựng).

Thời gian chờ đợi quyết toán của nhà ga T1 dài hơn hẳn các công trình khác. Nhà máy Đạm Phú Mỹ với vốn đầu tư lớn hơn nhiều (445 triệu USD) quyết toán chỉ 6 tháng sau khi khánh thành. Tại nhà máy này, kết thúc hạng mục nào, chủ đầu tư quyết toán đến đó.

Lãnh đạo Licogi cho biết, hiện Tổng công ty và Ban quản lý dự án nhà ga Nội Bài vẫn thường xuyên làm việc với nhau.

Cho đến chiều 10/9, Licogi đã hoàn thành 98% thủ tục liên quan đến hồ sơ để gửi cho chủ đầu tư nhà ga Nội Bài chờ quyết toán. Việc quyết toán chỉ được thực hiện sau khi đã có kết quả của đơn vị kiểm toán. Hiện tại, công trình đã hết thời gian bảo hành.

Nhà ga T1 không nằm trong diện công trình cần được Hội đồng nghiệm thu công trình quốc gia thông qua.

Theo quy định, có 3 nhóm công trình cần có sự kiểm tra của Hội đồng nghiệm thu quốc gia, gồm công trình có liên quan đến an toàn cho cộng động và được Quốc hội phê duyệt như nhà máy thủy điện Sơn La, nhà máy lọc dầu Dung Quất; có kỹ thuật phức tạp lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam như cầu Bãi Cháy; và công trình không được phép để xảy ra sự cố nghiêm trọng như Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Hiện Việt Nam có 12 công trình thuộc diện này.


>"Tốt nhất là đập đi xây lại nhà ga Nội Bài mới"


Theo Vietnamnet