“Đây cũng là điểm tốt, tạo điều kiện cho người có nhu cầu có thể mua nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình...”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.
Tại phiên báo cáo trả lời trước Quốc hội tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008-2010, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006.
“Đây cũng là điểm tốt, tạo điều kiện cho người có nhu cầu có thể mua nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, gần đây thị trường bất động sản đối với phân khúc nhà ở bình dân ở Hà Nội và TP.HCM đã có dấu hiệu ấm dần lên”, Bộ trưởng nói.
Theo báo cáo kết quả thực hiện lời hứa của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng mới được gửi đến các vị Đại biểu Quốc hội chiều 11/6, trong nửa năm qua Bộ này đã tập trung điều hành để giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản (BĐS), xử lý đất bỏ hoang, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu và xử lí nợ xấu. Có kế hoạch giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho sinh viên, người lao động có thu nhập thấp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.
|
Cũng theo đó, một trong những vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS là phải khắc phục được sự lệch pha giữa cung và cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lí sao cho các sản phẩm BĐS chủ yếu phải phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của đại đa số người dân.
Điều này cũng tạo nên một xu hướng mới, đặc biệt ở phân khúc chung cư. Từ những chuyển biến bước đầu như vậy, quan điểm tháo gỡ khó khăn được xác định là gắn nhiệm vụ này với việc thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 mà trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội.
Trên cở sở đó, Bộ Xây dựng đề xuất 6 nhóm giải pháp nhằm thực hiện nhiệm vụ này trong đó có việc điều chỉnh cơ cấu dự án BĐS, giải quyết nợ xấu và hỗ trợ tín dụng, ưu đãi giảm thuế, bắt tay giải quyết khó khăn.
Nhiều việc cụ thể được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thông tin tại báo cáo như ban hành thông tư 02 đầu tháng 3 năm nay, hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ.
Mặt khác, chủ đầu tư cũng được vay tiền để triển khai các dự án nhà ở xã hội hoặc chuyển đổi nhà thương mại sang làm nhà ở xã hội.
Tính đến nay, trên toàn quốc đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng. Trong đó có 58 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với quy mô trên 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 10.900 tỷ đồng và 99 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 35.500 căn hộ, với tổng mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng.
Dự kiến trong thời gian cuối tháng 5/2013 và trong tháng 6/2013 sẽ có 05 dự án nhà ở xã hội mới được khởi công tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Quy Nhơn - Bình Định, TP. Vinh - Nghệ An.
Theo kết quả rà soát của Bộ Xây dựng phối hợp với một số địa phương, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và ngân hàng BIDV, từ nay đến năm 2015 trong khu vực đô thị cả nước có khoảng 1.740.000 người có khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5 m2/người) và 1.715.000 công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở.
Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở trên, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ đến năm 2015. Nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp tăng thêm khoảng 200.000 căn nữa, tính đến năm 2020 (nếu nhu cầu đến năm 2015 được giải quyết hết vào năm 2015).
Một số địa phương trọng điểm có nhu cầu cao về nhà ở xã hội đã lập kế hoạch phát triển nhà ở xã hội cho giai đoạn 2012-2015 như: Hà Nội đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 4.700.000 m2 sàn, tương đương với khoảng 100.000 căn hộ, TP.HCM phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 2.700.000 m2 sàn nhà ở xã hội (mỗi năm khoảng 675.000 m2 sàn) tương đương với khoảng 67.000 căn hộ.
DiaOcOnline.vn - Theo Giáo dục Việt Nam