TP.HCM cần khẩn trương xây dựng và ban hành bảng giá đất điều chỉnh; quá trình xây dựng bảng giá này cần cân nhắc, đánh giá với mặt bằng giá tại địa phương.
TP.HCM cần thiết phải xây dựng bảng giá đất điều chỉnh áp dụng đến hết năm 2025 vì các quy định giá đất trước đó đã lạc hậu so với giá thực tế. (Ảnh: Lương Ý)
Ngày 10/9, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đã chủ trì buổi làm việc với các Bộ ngành, UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan, về phối hợp xử lý vướng mắc của TP.HCM trong việc áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Dương Ngọc Hải, cho biết TP.HCM đánh giá việc điều chỉnh bảng giá đất là vấn đề lớn, quan trọng, vì phạm vi đối tượng chịu tác động lớn, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Thành phố cũng xác định cần thiết phải điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với thực tế về giá đất tại địa phương.
Trong quá trình thực hiện, thành phố rất thận trọng, đánh giá rất kỹ tác động, thực hiện đầy đủ quy định. Thành phố đang rất cần ý kiến góp ý của các Bộ ngành, chuyên gia để việc điều chỉnh không tác động, ảnh hưởng nhiều tới người dân, doanh nghiệp…
Theo báo cáo của UBND TP. HCM, tại Khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 quy định, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013 được áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của luật này cho phù hợp với thực tế về giá đất tại địa phương.
Tại TP.HCM, trước 1/8/2024, bảng giá đất áp dụng theo Quyết định 02/2020 của UBND TP.HCM. Nhưng việc xây dựng bảng giá này bị giới hạn bởi quy định về khung giá đất, nên nhiều năm nay không còn phù hợp, không phản ánh đúng thực tế ở địa phương.
Hàng năm UBND TP.HCM đều áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất cho từng nhóm đối tượng, từng khu vực, từng mục đích sử dụng đất, để phù hợp các hồ sơ về nghĩa vụ tài chính về đất đai trên địa bàn.
Nhưng Luật Đất đai 2024 không có quy định áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất, nên bảng giá đất sau ngày 1/8 nếu áp dụng sẽ thiệt thòi cho người dân. Thành phố nhận thấy việc xây dựng bảng giá đất là cần thiết, từng bước tiếp cận giá thị trường.
Do vậy, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương, phối hợp điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật đất đai 2024. Hiện dự thảo đang được UBND TP.HCM phối hợp với HĐND TP tổ chức thảo luận chuyên đề để lấy ý kiến các đại biểu; đối thoại, lấy ý kiến góp ý rộng rãi các cơ quan, tổ chức, người dân...
Theo dự thảo bảng giá đất điều chỉnh TP.HCM đang xây dựng, nhiều tuyến đường, khu vực có mức giá tăng vài chục lần so với bảng giá áp dụng trước ngày 1/8/2024. (Ảnh: Lương Ý)
Tuy nhiên, TP.HCM đang gặp vướng mắc trong việc giải quyết các thủ tục về nghĩa vụ tài chính trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/8 đến thời điểm bảng giá đất điều chỉnh được ban hành… Cơ quan thuế cho biết có hơn 8.800 hồ sơ thuế nhà đất tồn đọng từ ngày 1/8.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đề nghị các Bộ ngành cho ý kiến liên quan đến sự cần thiết điều chỉnh giá đất, điều chỉnh thế nào, thời điểm điều chỉnh và các nội dung UBND TP.HCM đề xuất, để Bộ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng nhất trí TP.HCM cần khẩn trương xây dựng và ban hành bảng giá đất điều chỉnh. Lưu ý trong quá trình xây dựng bảng giá đất điều chỉnh, TP.HCM cần cân nhắc, đánh giá giá đất trong bảng giá so với mặt bằng giá tại địa phương. Đồng thời đánh giá tác động với đối tượng chịu tác động; đảm bảo hài hòa lợi ích, không làm ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp.
UBND TP.HCM cần bám sát kết luận Ban Thường vụ Thành ủy về nội dung này, đồng thời trình tự, thủ tục phải tuân thủ quy định tại Nghị định 71/2024 của Chính phủ quy định về giá đất và căn cứ vào thực tiễn ở địa phương.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tham dự buổi làm việc, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết các đại biểu dự họp đồng tình việc TP.HCM áp dụng bảng giá đất điều chỉnh từ nay đến ngày 31/12/2025.
Tuy nhiên, việc xây dựng Bảng giá đất điều chỉnh phải tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục của Luật Đất đai, để xây dựng các mức giá đất theo khu vực, vị trí cho phù hợp với thực tế địa phương.
Với 8.808 hồ sơ thuế liên quan đến nhà đất tồn đọng phát sinh từ ngày 1/8/2024 đến nay trên địa bàn TP.HCM, ông Châu cho biết đại diện các bộ ngành liên quan yêu cầu cơ quan Thuế thực hiện đúng “nguyên tắc áp dụng pháp luật”. Tức là hồ sơ nhận tại thời điểm nào thì áp dụng quy định pháp luật có hiệu lực tại thời điểm đó để xem xét, giải quyết.
DiaOcOnline.vn – Theo VTC