Không bắt buộc giao dịch bất động sản (BĐS) phải qua sàn, chỉ khuyến khích các bên tham gia để bảo đảm quyền lợi, công khai, minh bạch là đề xuất của Bộ Xây dựng trong Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.
Trước đề xuất này, đã có nhiều ý kiến đồng tình, tuy nhiên cũng có chuyên gia cho rằng muốn thị trường minh bạch, ổn định cần siết chặt quản lý chứ không nên bãi bỏ quy định nêu trên.
Sàn là đơn vị độc lập
Theo Bộ Xây dựng, đề xuất bỏ quy định giao dịch BĐS phải qua sàn là cách để giảm thủ tục với chủ đầu tư, giảm chi phí cho người mua, thuê nhà. Đặc biệt thời điểm như hiện nay, thị trường trầm lắng, chủ đầu tư đã và đang tìm mọi cách để hút khách mà vẫn không bán được hàng nên việc giao dịch qua sàn không còn cần thiết.
Ông Nguyễn Viết Hải - Cố vấn Cơ quan Nghiên cứu, Phản biện và Xúc tiến đầu tư BĐS (VNRIRE) cho rằng: "Việc quy định chủ đầu tư khi giao dịch BĐS phải qua sàn chỉ là thủ tục hành chính hình thức. Bản thân sàn giao dịch nhà đất là một đơn vị độc lập nên không thể chỉ dựa vào quy định đó để "sống". Các sàn muốn duy trì hoạt động vẫn phải tự tìm việc cho nhân viên làm, tìm dự án để phân phối".
Khách hàng giao dịch tại sàn giao dịch bất động sản Vincom. Ảnh: Linh Hương
|
Thực tế, thời gian gần đây, người dân đã tin tưởng và quen với việc đến các sàn giao dịch để tìm hiểu thông tin nhà đất, đăng ký mua bán, giao dịch sản phẩm BĐS và xin tư vấn. Những sàn làm việc bài bản, chất lượng uy tín, vẫn "sống khỏe" và thường xuyên có khách đến. Đơn cử, các sàn Vicland, EZ Property, Nhadat24h.net, Đất xanh Miền Bắc, Maxland, DTJ… vẫn có gần chục giao dịch thành công mỗi tuần. Đặc biệt, trong 3 ngày từ 18 - 20/10, tại Hội chợ triển lãm - Phiên giao dịch BĐS lần II vừa qua, các sàn, đối tượng tham gia chính của hội chợ đã tư vấn được cho 6.250 khách với hơn 60 giao dịch thành công.
Chỉ cho phép sàn “chuẩn” hoạt động
"Nói là giao dịch BĐS không bắt buộc qua sàn nhưng thực tế để bán hàng, bản thân các chủ đầu tư cũng phải bỏ kinh phí để xây dựng một đội ngũ bán hàng, tư vấn của riêng. Chi phí này chắc chắn cao hơn so với nhờ qua sàn sẵn có, nhưng đội ngũ này không chuyên nghiệp bằng nhân viên các sàn. Sự kết nối giữa các bên liên quan như luật sư, ngân hàng, dịch vụ hậu mãi, chăm sóc khách hàng cũng yếu thế, kém đa dạng, phong phú hơn" - TS Trần Đức Diễn - Giám đốc sàn BĐS Maxland cho hay.
TS Trần Đức Diễn phân tích thêm: "Nếu chủ đầu tư tự bán hàng, họ chỉ có một nguồn đối tượng khách hàng nhất định và để bán được hàng, kéo khách về phía mình phải biết chiều ý khách. Nếu chỉ chạy theo nhu cầu khách để giữ chân, vô hình trung sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề. Hơn nữa, hầu hết các chủ đầu tư chỉ biết phát triển, xây dựng dự án sẽ rất khó để ứng phó, điều tiết các vấn đề xảy ra khi bán hàng. Chủ đầu tư cũng không có thời gian để tiếp đón, tư vấn giải đáp tất cả mọi thắc mắc của khách hàng".
Đồng quan điểm này, ông Vũ Cương Quyết - Giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc nhấn mạnh: "Nên chuyên nghiệp hóa hoạt động của các thành phần trong lĩnh vực BĐS. Chủ đầu tư tập trung xây dựng, phát triển dự án. Sàn giao dịch BĐS nâng chất lượng môi giới, tư vấn giải đáp để làm cầu nối người dân đến với sản phẩm… Liệu khi bỏ giao dịch qua sàn ai dám khẳng định sẽ không còn hiện tượng thổi, đẩy giá, ăn chênh? Mấu chốt vẫn là cơ quan quản lý cần có biện pháp siết chặt quản lý các sàn".
Rõ ràng, việc siết chặt quản lý để tránh sàn môi giới làm rối loạn thị trường rất cần các cơ quan quản lý mạnh tay vào cuộc tăng cường kiểm tra, hoạt động; Khống chế số lượng, sàng lọc các sàn được phép hoạt động bằng quy định đánh giá tiêu chuẩn; Xây dựng danh sách cụ thể, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về những sàn đáng tin cậy làm cơ sở cho người dân đến tìm hiểu thông tin. Cuối cùng, quyền lựa chọn luôn thuộc về người mua nên bản thân họ phải luôn có cái nhìn sáng suốt, cẩn trọng.
DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT