Top

Bỏ cơ chế thương lượng giá bồi thường: Nhà nước “ôm rơm rặm bụng”?

Cập nhật 05/04/2008 09:00

Nhà nước bồi thường hay tư nhân thỏa thuận không quan trọng mà vấn đề là giá bồi thường có hợp lý hay không.

Xung quanh đề xuất bỏ cơ chế chủ đầu tư thỏa thuận với dân về giá bồi thường đất của Bộ Xây dựng, Pháp Luật TP.HCM nhận được rất nhiều ý kiến chuyên gia góp ý về vấn đề này. Tuy nhiên, các ý kiến có sự phân tán, người thì ủng hộ, người lại cho rằng không nên bỏ hẳn, còn người dân thì chỉ quan tâm đến giá bồi thường và những chính sách hỗ trợ đi kèm. Pháp Luật TP.HCM tiếp tục giới thiệu những ý kiến này để các cơ quan quản lý có thêm thông tin cần thiết nhằm điều chỉnh chính sách cho hợp lý.

Bà Ung Thị Xuân Hương, Trưởng phòng Văn bản, Sở Tư pháp TP.HCM:

Người dân dễ có tâm lý bị ép buộc

Không nên xóa bỏ cơ chế chủ đầu tư tự thỏa thuận với dân và giao hết cho nhà nước bao cấp.

Trước tiên, điều này không phù hợp Luật Đất đai 2003 và Nghị định 84/2007 bởi hai văn bản này vẫn duy trì hai cơ chế nhà nước bồi thường thu hồi đất, doanh nghiệp tự thương lượng với người có đất.

Bên cạnh đó, nếu giao hết cho nhà nước thì người dân rất dễ có tâm lý bị ép buộc hoặc luôn có cảm giác giá nhà nước đưa ra thấp dù nhà nước nói rằng đó là giá thị trường, bởi điều này rất khó xác định. Trong khi đó, giao dịch giữa chủ đầu tư và người dân là sự tự nguyện, hai bên thương lượng theo nguyên tắc thuận mua vừa bán. Lo ngại thương lượng dẫn đến so bì cũng không quá lớn đến mức phải bỏ hẳn cơ chế chủ đầu tư thỏa thuận. Vả lại, người dân so bì vô lý thì họ cũng không chuyển nhượng được và tự khắc có sự điều chỉnh.

Để nhà nước “bao sô” cho chủ đầu tư thì coi chừng “ôm rơm rặm bụng”, không được gì mà cũng khó được dân ưng. Chẳng hạn, hiện nay bồi thường đất nông nghiệp theo giá nhà nước nhiều lúc thấp hơn nhiều so với để doanh nghiệp thỏa thuận với dân. Ở Củ Chi đã từng có một dự án một hộ dân được nhà nước bồi thường 300 triệu đồng nhưng chủ đầu tư tự nguyện trả thêm cho họ 1,6 tỷ đồng để nhanh chóng có mặt bằng.

Do đó, tôi cho rằng tốt nhất nhà nước chỉ giải phóng mặt bằng (GPMB) những dự án công ích với giá hợp lý, đi kèm những chính sách tái định cư, hỗ trợ nghề nghiệp cho người bị thu hồi đất. Còn dự án kinh doanh thì nên để chủ đầu tư tự thỏa thuận với người dân.

Ông Nguyễn Tiến Khang, chuyên gia về đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Nhà nước vay tiền chủ đầu tư để GPMB

Ở ta, danh chính ngôn thuận là nhà nước đứng ra thu hồi đất, tiền đền bù là nhà nước trả nhưng lại thông qua các nhà đầu tư. Đó là những dự án thuộc diện nhà nước thu hồi đất nhưng chủ đầu tư trả tiền cho người dân. Đa số dự án hiện nay thuộc trường hợp này. Còn việc nhà đầu tư bỏ tiền ra mua đất đó là quan hệ dân sự giữa nhà đầu tư và người dân. Trong trường hợp này, nhà nước không thu hồi đất.

Theo tôi, trong các dự án nhà nước thu hồi đất, các nhà đầu tư không nên tham gia vào quá trình bồi thường, GPMB. Nên làm theo cách này: Nhà nước định giá toàn bộ khu đất đó là bao nhiêu tiền, rồi yêu cầu nhà đầu tư nộp tiền vào kho bạc để phục vụ cho việc đền bù, GPMB. Đó cũng là cách nhà nước tạm vay tiền của chủ đầu tư. Sau đó nhà nước sẽ thu hồi đất, đền bù, GPMB. Như vậy sẽ không có nhà đầu tư nào dính dáng vào hoạt động này.

Nguyên tắc là giá đền bù phải sát với giá thị trường nhưng hiện nay giá này căn cứ vào giá đất của địa phương đưa ra vào ngày 1-1 hàng năm. Theo lẽ nếu trong năm giá đất biến động lớn thì phải điều chỉnh nhưng thực tế nhiều địa phương vẫn không điều chỉnh giá đất, dẫn đến người dân cảm thấy bị thiệt thòi. Do vậy phải có một tổ chức đứng ra định giá đất để bồi thường theo giá đó. Nội dung này sẽ đưa vào Luật Đất đai sửa đổi lần này.

Ông Lê Nguyễn Anh Tuấn, người có đất quy hoạch tại TP.HCM:

Ai bồi thường cũng được, miễn giá hợp lý

Tôi có mảnh đất trồng mai tại địa chỉ khu phố 1, phường Thạnh Lộc, quận 12. Đất của tôi bị quy hoạch làm công viên cây xanh hay trường học gì đó từ năm 1999 đến nay. Bây giờ cứ nói bồi thường là theo giá thị trường nhưng nhà nước thu hồi đất làm công trình công ích thì giá vẫn thấp. Tôi nghe nói đất nông nghiệp hiện nay giá nhà nước bồi thường chừng 150 ngàn đồng/m2, chưa đủ mua hai kg thịt! Trong khi nếu không bị quy hoạch thì khu này “bèo” lắm cũng phải 3-4 triệu đồng/m2.

Đối với tôi, nhà nước bồi thường hay tư nhân thỏa thuận thì ai cũng được. Quan trọng là họ trả mức giá hợp lý để gia đình tôi ổn định được cuộc sống. Vì mất đất rồi thì gia đình tôi cũng không biết sinh sống bằng nghề gì. Mua lại đất nông nghiệp thì lại sợ bị quy hoạch nữa. Tôi cũng không biết số tiền đền bù có đủ để mua lại nhà khác hay không nếu giá đền bù không thỏa đáng.


Theo Pháp Luật TP.HCM