Dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn nối từ đường DT 743 (thuộc phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một) băng qua đại lộ Bình Dương giao với xã Thuận Giao (Thuận An) dài hơn 3 km là công trình trọng điểm của tỉnh Bình Dương. Công trình khởi công từ tháng 3-2005 với tổng vốn đầu tư ban đầu là 30 tỉ đồng, do UBND thị xã Thủ Dầu Một làm chủ đầu tư.
Người dân “lãnh đủ”
Theo thiết kế, đường Nguyễn Thị Minh Khai là đường cấp hai với bốn làn xe chạy, có trọng tải trục xe là 12 tấn. Khi đi vào hoạt động, đường Nguyễn Thị Minh Khai sẽ trở thành tuyến đường tránh đô thị, giúp giảm bớt lượng xe lưu thông vào thị xã trên tuyến đường DT 743 và đại lộ Bình Dương.
Tuy nhiên, sau hơn năm năm thi công, đến nay nhiều hạng mục của công trình vẫn còn dang dở. Hiện trạng phổ biến nhất là cứ một đoạn rải nhựa lại đến một đoạn đường đất lầy lội. Tại một số điểm, đường bốn làn xe bị bóp hẹp còn hai làn xe chạy, mặt đường xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi. Việc lắp đặt các biển báo hiệu giao thông chưa đúng quy định khiến việc đi lại của người dân càng thêm khó khăn. Ông Nguyễn Hào Nam, một hộ dân sống ven đường, cho hay: “Các đơn vị thi công đào đắp bừa bãi khiến con đường ngày nắng thì bụi bay mù trời, mùa mưa thì nước ngập, lầy lội. Nhiều vũng nước thải tù đọng lâu ngày đã bốc mùi hôi thối. Các hộ kinh doanh buộc phải đóng của hoặc di dời vào sâu trong hẻm để tránh mùi”.
Nhiều ổ voi, ổ gà xuất hiện trên cung đường tiền tỉ. Ảnh: Tấn Tài |
Do thiếu hệ thống đèn chiếu sáng, đường bị cắt khúc từng đoạn nên ở đây thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông. Bà Hoàng Thị Lan, người dân khu phố 8, phản ánh: “Chúng tôi không dám ra đường vào ban đêm vì sợ bị sụp hố hoặc đâm sầm vào phần đường chưa thi công. Lợi dụng bóng tối, các đối tượng cướp giật, nghiện ngập thường xuyên tụ tập về đây gây mất an ninh trật tự”.
Vì việc thi công cứ giậm chân tại chỗ nên việc lắp đặt hệ thống cống thoát nước cũng bị treo. Nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, nhà trọ, trường học tràn xuống đường tạo thành những rãnh nước hôi thối, đen ngòm. Mỗi lần mưa lớn, nước bẩn và rác thải tràn ngập vào tận nhà. Nhiều hộ dân phải xây “đê bao” trước nhà nhằm ngăn nước tràn.
Vướng giải phóng mặt bằng
Theo ông Bùi Thạnh, Chủ tịch UBND phường Phú Hòa, nguyên nhân tuyến đường thi công chậm tiến độ là do một số hộ dân trong diện giải tỏa không bàn giao mặt bằng đúng quy định. Các hộ này không chấp nhận mức giá bồi thường, hỗ trợ do chủ đầu tư đưa ra vì cho rằng mức quá thấp so với giá thị trường.
Hiện toàn tuyến có 239 hộ dân trong diện giải tỏa nhưng vẫn còn 22 hộ chưa chịu di dời. Trong đó có 11 hộ không chấp nhận việc nắn thẳng tuyến đường mà yêu cầu làm theo trục đường cũ. Song ông Thạnh khẳng định việc nắn tuyến là cần thiết nhằm giảm nguy cơ tai nạn giao thông và đảm bảo mỹ quan của tuyến đường. Ông Thạnh cho biết thêm, sắp tới UBND phường sẽ phối hợp với UBND thị xã Thủ Dầu Một tiếp tục cử cán bộ xuống thỏa hiệp, thương lượng với các hộ dân còn lại để nhanh chóng tiến hành giải tỏa. Ông Thạnh cũng thừa nhận trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị thi công đã để xảy ra một vài sai sót như người dân phản ánh. Hiện đơn vị thi công đang khắc phục sửa chữa các sai sót nói trên. Trong thời gian tới, chủ đầu tư sẽ tiếp tục giải ngân để đơn vị thi công sớm hoàn thành các hạng mục còn lại.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP