Theo các chuyên gia, mặc dù các dự án biệt thự, nhà liền kề đều có chất lượng tốt nhưng giá chào bán cao là rào cản dẫn đến mức hấp thụ thấp hơn.
Hoạt động thị trường đạt 1.087 giao dịch, tăng 16% theo quý và 131% theo năm.
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý II/2021 của Savills Việt Nam, hoạt động thị trường biệt thự, liền kề đạt 1.087 giao dịch, tăng 16% theo quý và 131% theo năm. Hoài Đức dẫn đầu lượng giao dịch với 39% thị phần, theo sau là quận Hà Đông với 19%. Tỷ lệ hấp thụ ở mức 59%, tăng 9 điểm % theo quý và 30 điểm % theo năm.
Tỷ lệ hấp thụ trong quý vừa qua ghi nhận mức cao nhất kể từ Q2/2019, với nhà liền kề và nhà phố thương mại chiếm 83% lượng giao dịch. 63% lượng mở bán mới đã được hấp thụ. Giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 4.907 USD/m2, tăng 10% theo quý và 3% theo năm.
Về mặt bằng giá bán, giá trung bình của nhà liền kề là 5.173 USD/m2, tăng 11% theo quý và 16% theo năm. Với nhà phố thương mại, giá trung bình khoảng 8.135 USD/m2, tăng 4% theo quý và 11% theo năm. Trong vòng 5 năm vừa qua, giá chào bán thứ cấp của biệt thự/nhà liền kề đã tăng khoảng 7% mỗi năm.
Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của JLL Việt Nam, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại khu vực miền Nam nên hầu hết nguồn cung nhà liền thổ mới được ghi nhận ở thời điểm tháng 4 và tháng 5, đạt 1.843 căn. Trong đó, nguồn cung mới ở Tp.HCM vẫn còn hạn chế với chỉ 173 căn được tung ra trong quý và chủ yếu đến từ các dự án nhà phố quy mô nhỏ ở Tân Phú và Quận 12. Trong khi đó, nguồn cung nhà phố, biệt thự tại Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận số lượng lớn hơn trong quý 2.
Chuyên gia JLL cho biết, nhu cầu tìm kiếm nhà phố, biệt thự tại TP HCM và tỉnh lân cận ổn định, nhưng đã có dấu hiệu chậm lại do dịch bùng phát, tổng lượng nhà ở bán của toàn khu vực đạt 1.781 căn, giảm nhẹ 8,8% so với quý trước. Tương ứng với nguồn cung hạn chế, Tp.HCM chỉ ghi nhận 183 căn nhà giao dịch thành công.
Về giá bán, trong quý 2/2021, giá bán sơ cấp trung bình của nhà liền thổ thị trường Tp.HCM và các tỉnh lân cận đạt 2.849 USD/m2 (tương đương 65,5 triệu đồng). Thị trường tiếp tục ghi nhận mức giá tăng mạnh, với mức tăng 15,9% theo năm và 7,9% theo quý. Mức tăng này chủ yếu đến từ các dự án quy mô lớn ở Tp.Thủ Đức, Đồng Nai và Long An, và những dự án nằm ở khu vực có mật độ đô thị hóa cao như ở Bình Dương.
Nguyên nhân chính do quỹ đất hạn chế và sự gia nhập của các dự án tích hợp chất lượng cao ở các tỉnh vệ tinh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. JLL Việt Nam dự báo, giá bán sơ cấp trung bình của loại hình nhà liền thổ tại khu vực miền Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Sự tăng giá của biệt thự, liền kề tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, đánh giá về sự tăng trưởng trên, ông Mathew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội lo ngại rủi ro lớn từ việc giá chào bán cao. Mặc dù các dự án đều có chất lượng tốt nhưng giá chào bán cao là rào cản dẫn đến mức hấp thụ thấp hơn. Sẽ có nhiều sự quan tâm hơn tới loại hình bất động sản nhà ở thấp tầng, với điều kiện giá vẫn trong tầm với.
Trong khi đó, trên thực tế, với diễn biến sự tăng giá liên tục trong các năm qua của loại hình biệt thự liền kề, một thực trạng là “mặt trái” của loại hình này lại đang tồn tại chưa có hướng giải quyết.
Theo ghi nhận của Diễn đàn Doanh nghiệp, tại Hà Nội, hàng loạt dự án nhà phố từng “làm mưa làm gió” trên thị trường hiện đang trở thành những dự án bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên. Trong đó có thể kể đến như Khu đô thị Lideco nằm trên đường 32, thị trấn Trạm Trôi (Hoài Đức, Hà Nội) với hơn 600 căn biệt thự thiết kế theo phong cách tân cổ điển đến nay vẫn vắng bóng người ở.
Tại quận Nam Từ Liêm, Khu đô thị Xuân Phương tổng thể dự án bao gồm một tòa chung cư cao 19 tầng, 337 căn liền kề và gần 100 căn biệt thự đơn lập, song lập,… nhưng đến nay đa phần trong đó đang bị bỏ hoang.
Ngoài ra còn một loạt dự án đang bỏ hoang như Hoa Phượng, Bảo Sơn, Khu biệt thự Vườn Cam - Orange Graden (An Khánh – Hòa Đức); dự án khu đô thị mới Cầu Bươu (Thanh Trì, Hà Nội); khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông, Hà Nội),…
DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN