Top

BĐS sẽ không tái phát tình trạng sốt giá!

Cập nhật 29/05/2014 09:56

Thời gian qua, tại Hà Nội đã xuất hiện tình trạng chủ đầu tư tăng giá bán, "cắt" khuyến mại, xuất hiện tiền chênh "khủng". Liệu thời gian tới, thị trường bất động sản có "sốt" là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Thời gian qua, thị trường bất động sản đã chứng kiến một hiện tượng mà 4 năm trước đây đã từng xảy ra: xuất hiện việc hét "tiền chênh" ở một số dự án  như dự án Kim Văn - Kim Lũ có mức chênh 150 - 350 triệu đồng/căn hộ; dự án VP 5 Linh Đàm có mức chênh 250 - 450 triệu đồng/căn hộ, dự án Viện 103 Văn Quán chênh giá 50 - 150 triệu đồng/căn, dự án căn hộ cao cấp Trung Yên Plaza trên đường Trần Duy Hưng, hay Dự án Lancaster trên phố Núi Trúc, Dự án N04 Trần Duy Hưng, chênh lên tới 200 triệu đồng/căn, Dự án Mandarin Garden chênh tới 500 - 600 triệu đồng/căn, Dự án Diamon Flower trên đường Lê Văn Lương chênh 50 - 100 triệu đồng/căn…

Ngoài ra, nhiều dự án cũng công bố tăng giá bán căn hộ như Viglacera tăng giá bán khoảng 3-5% cho khoảng 100 căn hộ thuộc dự án Thăng Long Number One; Chủ đầu tư dự án Căn hộ cao cấp Hòa Bình Green City (505 Minh Khai) tăng khoảng 10% ; Dự án Golden West tại Khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính cũng tăng giá bán căn hộ khoảng 5%; Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP-Invest) cũng đã điều chỉnh tăng giá bán căn hộ thêm 5-6% tại dự án Nam Đô Complex (609 Trương Định).

Còn điển hình cho việc "cắt khuyến mại" là việc Siêu thị dự án bất động sản STDA vừa phát đi thông báo về cơ hội cuối cùng nhận ưu đãi dành cho người mua biệt thự thuộc dự án Gamuda Gardens (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Trong tháng tới, chương trình tăng 100 lượng vàng cho khách mua nhà dự án HP Landmark Tower cũng sẽ không còn và những khuyến mại của CT Number One Vân Canh cũng sẽ không còn  như tặng TV, quạt phun sương hoặc 1 chỉ vàng cho người mua...

Dự án Căn hộ cao cấp Hòa Bình Green City.

Tất cả những động thái trên khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi: Phải chăng bất động sản đã thoát đáy và sắp sốt trở lại?

Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây Dựng) nhận định rằng, thị trường chắc không sốt như đợt trước (từ 2009 trở về trước). Qua các lần sốt vừa rồi, nhất là đợt sốt gần đây, giá được đẩy lên rất cao. Sau một thời gian dài vừa qua thị trường bất động sản gặp khó khăn, hàng tồn kho tăng cao, sản phẩm bất động sản không bán được. Điều đó đã mang đến những kinh nghiệm đáng quý cho chủ đầu tư trong việc cung cấp và định hình phân khúc sản phẩm. Bên cạnh đó, các nhà đầu cơ, người có nhu cầu thực về bất động sản cũng có những bài học và kiến thức về thị trường.

Chuyên gia kinh tế TS.Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng hiện các giao dịch bất động sản đang tăng, tính thanh khoản cao hơn. Tuy nhiên, để thị trường bất động sản có thể “sốt” lại thì vấn rất khó.

Theo ông Nghĩa, lý do là hiện, kinh tế đang phục hồi nhưng mức độ phục hồi rất chậm. Với đà phục hồi này thì khó có thể trở thành bong bóng bất động sản.  Kinh tế Việt Nam đã dò đáy đi lên từ quý IV/2013, nhưng đi lên rất chậm. Các chỉ số tăng trưởng công nghiệp, PMI… đạt thấp. Các tổ chức quốc tế như ADB, WB… đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Thị trường bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng kinh tế. Kinh tế tăng trưởng chậm nên thị trường bất động sản cũng khó “sốt”.

Bên cạnh đó, hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% toàn hệ thống ngân hàng năm 2014 vẫn rất khó khăn. Trong đó, chưa kể đến các khoản được cơ cấu lại nợ, kể cả những khoản “lách” của ngân hàng để tăng trường tín dụng. Triển vọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khó trở lại nhanh vì nợ xấu khó xử lý nhanh, nhiều vấn đề về tái cơ cấu ngân hàng chưa được thực hiện đến tận gốc rễ… Để phục hồi tăng trưởng tín dụng có thể khéo dài vài ba năm. Và thị trường bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng tín dụng.

Mặt khác, niềm tin trên thị trường trước đây suy giảm cũng không dễ phục hồi.

Còn ông Trần Đức Diễn,  Đại diện Liên minh các sàn giao dịch BĐS G5 cũng cho rằng, thị trường bất động sản vừa qua có dấu hiệu ấm lên khá rõ nét, thông qua việc gia tăng số lượng giao dịch thành công, mặt bằng giá có cải thiện, thậm chí một số dự án còn tăng giá hoặc thu thêm tiền chênh. Đặc biệt là tăng trưởng tín dụng cho bất động sản. Ngân hàng hồ hởi hơn khi rót tiền vào bất động sản.

"Tuy nhiên, thị trường cần có sự điều chỉnh tiếp theo. Về mặt quản lý nhà nước cũng cần có sự thận trọng để thị trường bất động sản vững bền hơn. Việc thị trường có duy trì được tốc độ tăng trưởng khá tốt như trong mấy tháng đầu năm hay không, thì hiện chưa khẳng định được, vì còn phụ thuộc rất nhiều vào kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế", ông Diễn nhận xét.

Ông Trần Ngọc Quang, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá rằng, thị trường bất động sản sẽ không thể quay lại sốt được nữa. Bởi lẽ, các chủ đầu tư đã nhận được những bài học đắt giá. Tuy nhiên, hiện tượng một số chủ đầu tư tăng giá gần đây và xuất hiện những phân khúc là không bền vững.

"Với tư cách đại diện cho Hiệp hội Bất động sản, tôi cho rằng các chủ đầu tư nên quan tâm, nhìn nhận lại những bài học đã qua, đừng tăng giá, vì nếu tăng giá sẽ làm chậm đến tiến trình phục hồi thị trường bất động sản. Điều đó là không mang lại lợi ích cho chính chủ đầu tư và thị trường bất động sản nói chung", ông Trần Ngọc Quang khuyến cáo.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư