Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tình trạng đóng băng của thị trường BĐS gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay, giải quyết vấn đề này là một trong những nhiệm vụ cấp bách của năm 2013. Nhiều chuyên gia dự báo, khả năng hồi phục của thị trường BĐS trong nửa cuối 2013 rất cao.
Khu đô thị mới Văn Khê |
Tiếp tục dò đáy
Bất chấp những nhận định có lợi, có thể thấy thị trường BĐS vẫn tiếp tục đi xuống bằng việc thanh khoản thấp và giá cả giảm sâu. Dù 3-4 tháng nay lượng hàng bán tháo đã giảm mạnh, nhưng BĐS vẫn chưa thể ngừng đà rớt giá do giới đầu tư không muốn mua vào.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là nguồn tiền cạn kiệt và niềm tin vào thị trường, vào các chủ đầu tư gần như không còn.
Khu đô thị mới Văn Khê.
Ngoại trừ một số dự án giá thấp, hầu hết dự án thuộc các khu vực như Đại lộ Thăng Long, Lê Văn Lương, Xa La, An Khánh, Đan Phượng… gần như vẫn đóng băng cho dù giá đã được chủ đầu tư lẫn thứ cấp giảm 30-40%.
Đơn cử, khu đô thị mới Dương Nội A nằm trên đường Lê Văn Lương kéo dài, giá chỉ còn 35-37 triệu đồng/m2, giảm hơn một nửa so với mức giá 70-80 triệu đồng/m2 trước đây. Khu đô thị mới An Hưng có vị trí tương tự Dương Nội, hiện chủ đầu tư đã bàn giao nhà cho khách hàng nhưng giá biệt thự hướng đẹp giảm về 45-47 triệu đồng/m2, giá nhà liền kề ở mức 50-51 triệu đồng/m2.
Một khu khác là khu đô thị mới Văn Khê đã giao nhà được 2 năm, giá liền kề từ cuối năm 2011 vào khoảng 80 triệu đồng/m2, nay được nhiều sàn giao dịch rao 50 triệu đồng/m2. Khu đô thị Văn Phú nằm trên trục đường Lê Trọng Tấn kéo dài, giá nhà liền kề, biệt thự trục đường lớn hiện khoảng 60-70 triệu đồng/m2, đường nhỏ 45-50 triệu đồng/m2, giảm 40% so với thời điểm năm 2010...
Phân khúc chung cư cũng không có những tín hiệu sáng hơn khi các chủ đầu tư buộc phải tiếp tục giảm giá căn hộ để tăng tính thanh khoản cho dự án. Mới đây, Tập đoàn Hà Đô tiếp tục mở bán căn hộ hoàn thiện nội thất dự án Hado Park View thuộc khu đô thị mới Dịch Vọng với giá 22,7 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT), giảm gần 4 triệu đồng/m2 so với lần mở bán trước. Dự án Star Tower (Cầu Giấy) của chủ đầu tư Công ty CFTD-VLA cũng mới công bố điều chỉnh giá xuống 31,2 triệu đồng/m2, chưa bao gồm thuế VAT, giảm gần 20% so với mức giá chào bán khoảng 40 triệu đồng/m2 trước đó.
Dự án Unimax ở Hà Đông trước đây có giá hơn 20 triệu đồng/m2, nhưng đầu tuần trước, đơn vị phân phối dự án là Công ty BĐS Phi Long đã chính thức công bố mức giá bán mới chỉ từ 13,2 triệu đồng/m2…
Theo các chuyên gia, việc giảm giá BĐS cuối năm là hiện tượng bình thường và cũng là theo quy luật thị trường. Khi chủ đầu tư dự án đến hạn trả nợ ngân hàng, thì việc doanh nghiệp phải giảm bớt lợi nhuận, giảm giá để mong bán được sản phẩm là điều tất yếu xảy ra.
Thậm chí, trước sức ép kỳ hạn của ngân hàng, hay để tái đầu tư ở các dự án khác, mà thị trường vẫn đóng băng doanh nghiệp còn phải chấp nhận bán hòa, hoặc dưới giá để thu hồi vốn.
Sẽ khởi sắc vào 2013?
Dù thị trường vẫn đang đóng băng và chưa hề có dấu hiệu khởi sắc, nhiều chuyên gia vẫn lạc quan nhận định năm 2012 đã khép lại vùng “trũng” của thị trường. Theo TS. Trần Kim Chung, sau 2 năm đóng băng, giá BĐS đã nằm ở vùng đáy trong thời gian khủng hoảng từ 2011-2012, sau đó thị trường phải đi lên.
Trong năm 2013, khả năng nhiều dự án giá thấp sẽ xuất hiện và nếu đầu ra được khơi thông, địa ốc sẽ sớm phục hồi. Trọng tâm là phải đi tìm lời giải cho hàng chục ngàn căn hộ đang tồn đọng. Và mấu chốt vấn đề là các nhà đầu tư sẽ buộc phải chịu lỗ để tự cứu mình. GS. ĐẶNG HÙNG VÕ |
Đây là chu kỳ không thể khác. Đặc biệt, sau khi Quốc hội yêu cầu Bộ Xây dựng và các cấp, ngành tập trung giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường BĐS, xử lý đất bỏ hoang, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu và xử lý nợ xấu trong năm 2013, cơ hội để thị trường này hồi phục càng trở nên lớn hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nhìn vào thực lực thị trường hiện tại, năm 2013 dù có được gỡ bí bằng cơ chế, chính sách, vẫn chưa phải là thời điểm bùng nổ của thị trường.
Bởi trong bối cảnh hiện nay, khi niềm tin vào thị trường của khách hàng dường như vẫn chưa được hồi phục rõ ràng, cộng vào đó là các động thái kích cầu có phần nửa vời, yếu ớt từ các chủ đầu tư, đã khiến phần lớn khách hàng vẫn mang tâm lý chờ đợi, nghe ngóng. Đặc biệt, rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng khó khăn, nhiều dự án đang lâm vào tình trạng không thể triển khai tiếp, rất nhiều khoản đầu tư bị thua lỗ.
Những đối tượng này sẽ bắt buộc phải rời bỏ thị trường nếu không tình hình sẽ ngày càng xấu hơn. Bên cạnh đó, có những rủi ro kinh doanh rất khó lường đối với doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Đặc biệt là các rủi ro có liên quan đến hệ thống ngân hàng, vì suy cho cùng, giai đoạn này hệ thống ngân hàng vẫn là nguồn cung cấp tài chính quan trọng nhất cho thị trường BĐS.
"Thị trường BĐS đang trong giai đoạn buộc cấu trúc lại chính mình để hình thành diện mạo mới với cơ cấu hàng phù hợp hơn. Nhưng đến năm 2013, bất chấp những khó khăn về vốn, thị truờng sẽ phát triển trở lại”- ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường BĐS, khẳng định.
DiaOcOnline.vn - Theo ĐTTC