Top

Bất ngờ đề xuất chuyển ga Hà Nội ra khỏi trung tâm

Cập nhật 16/04/2015 08:59

Đó là kiến nghị của Đại tá Đào Thanh Hải - Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, tại cuộc họp giữa Bộ GTVT và Sở GTVT Hà Nội ngày 15/4.

Cụ thể, Đại tá Hải cho rằng, việc chuyển ga Hà Nội ra khỏi trung tâm Hà Nội là cần thiết vì mỗi lần tàu ra vào ga, ùn tắc ở các điểm giao với đường sắt thường xuyên xảy ra, lực lượng CSGT rất vất vả.

Đồng tình quan điểm, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, tai nạn đường sắt tăng mạnh trong thời gian qua mặc dù Hà Nội có nhiều giải pháp đảm bảo hành lang an toàn giao thông.

Theo ông Hùng, nhiều năm qua, TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp, kết nối đường bộ đường sắt nhưng tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt, mở đối đi dân sinh vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Ông Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận về thực tế người dân sinh sống, kinh doanh dưới các gầm cầu đường sắt như Long Biên, Thăng Long.

Trước thực tế nêu trên, Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị ngành đường sắt khẩn trương giải tỏa toàn bộ các trường hợp chiếm dụng kinh doanh buôn bán tại khu vực gầm cầu Long Biên, gầm cầu Thăng Long.

"Các hộ dân đang sinh sống dưới gầm cầu đường sắt, Hà Nội sẽ có kế hoạch giải tỏa bằng nhà chính sách, nhà ở xã hội để trả lại thông thoáng gầm cầu nhằm bảo đảm an toàn giao thông, mỹ quan đô thị", ông Hùng khẳng định tại cuộc họp.

Đề xuất di chuyển ga Hà Nội ra khỏi trung tâm thành phố

Trước đề xuất của Phó giám đốc công an Hà Nội, ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng bày tỏ sự không đồng tình, vì ga Hà Nội nằm trong quy hoạch được Chính phủ ban hành. Hơn nữa, ga Hà Nội là nơi kết nối các tuyến đường sắt đô thị của toàn thành phố Hà Nội.

"Nếu di chuyển nhà ga ra khỏi trung tâm thành phố thì trong 10 năm nữa các tuyến đường sắt đô thị không biết kết nối như thế nào", ông Thành nói.

Lãnh đạo đường sắt cũng cho biết, sắp tới ngành này triển khai thêm 6 đôi tàu (trung bình 22 đôi mỗi ngày đêm) qua thành phố để chống quá tải cho đường bộ, do vậy cần tổ chức đường ngang, cầu vượt, kết nối tín hiệu đường sắt và đường bộ để giải quyết an toàn và ùn tắc giao thông.

Ông Thành cho biết thêm, trên địa bàn Hà Nội hiện còn 400 đường ngang dân sinh qua đường sắt, trên thực tế, rất khó để dẹp bỏ các đường ngang dân sinh vì nhu cầu đi lại của người dân.

Trước đó, tháng 7/2014, Ga Hà Nội đã có đợt tiến hành sửa chữa, nâng cấp lại vô cùng lớn.

Thay đổi lớn nhất là các đường ke dọc đoàn tàu được làm mới, sạch đẹp. Bề mặt đường ke được sơn bằng loại sơn chống trượt, trong khi hệ thống chiếu sáng, tường cột cũng được sơn sửa, chỉnh trang.

Đặc biệt, đường ke mới đã được nâng cao lên ngang sàn toa tàu. Trước kia, mặt đường ke thấp khiến cho việc lên xuống toa tàu khá bất tiện, đặc biệt đối với người già và trẻ em. Ngoài đường ke, hệ thống mái che cũng lần đầu tiên được lắp đặt, đảm bảo cho hành khách di chuyển trên sân ga "ướt không tới chân, nắng không tới đầu".

Đi kèm với các mái che đường ke là hệ thống cầu vượt đi bộ giúp xóa bỏ hoàn toàn cảnh hành khách đi bộ cắt ngang đường sắt, hay đi bộ vòng qua các đoàn tàu dài tới vài trăm mét.

Sau một thời gian thử nghiệm, ngày 19/10, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng đã cắt băng khánh thành và trực tiếp thị sát hệ thống đường ke, mái che, cầu vượt bộ hành.

Được biết, các hạng mục đường ke, mái che, biển báo điện từ... thuộc giai đoạn một của dự án sửa chữa, nâng cấp đường ke, mái che và ga Hà Nội, có tổng kinh phí đầu tư hơn 65 tỷ đồng.

Thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án, tiến hành sửa chữa nội thất, ngoại thất nhà ga.

Ga Hà Nội có tên gọi cũ là Ga Hàng Cỏ, là đầu mối các tuyến đường sắt khu vực phía Bắc. Là ga đường sắt lớn nhất cả nước, nơi đây đón tiếp gần 4 triệu lượt hành khách đi tàu mỗi năm.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt