Top

Bất động sản tuần qua: “Mạnh tay” trong cơn khốn khó

Cập nhật 16/09/2012 08:10

Tuy hàng tồn như núi, khó khăn chồng chất nhưng tháng tới bộ Xây dựng quyết định lập đoàn thanh tra các dự án. Bên cạnh đó, Hà Nội mạnh tay thu hồi đất vàng sử dụng sai mục đích, bỏ hoang. Đó là những thông tin bất động sản đáng ý trong tuần qua...

Bất động sản tồn nhiều thì đã rõ nhưng tồn lên tới hàng tỷ USD thì cơ quan quản lý nhà nước chưa xác tín. Tuy nhiên dựa trên thống kê của công ty nghiên cứu cũng có thể phác thảo ra bức tranh tồn kho cao ngất ngưỡng này.

Những động thái của Hà Nội hay bộ Xây dựng qua những phát ngôn và hành động cụ thể được xem là mạnh tay này khiến cho doanh nghiệp bất động sản, những người từng kêu cứu là “đã chết lâm sàng” dự kiến càng thêm nguy khốn.

Giải quyết hàng tồn: Chấp nhận lỗ 50%?

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh, thực trạng hiện nay của thị trường BĐS và sự quản lý thị trường này đang "có vấn đề" khi để lượng hàng tồn kho rất cao mà chưa thể kiểm soát, xác minh rõ ràng về mặt con số. Bên cạnh đó, tín dụng dành cho BĐS nói chung qua tổng hợp, phân tích đối chiếu các nguồn, vẫn có chiều hướng tăng lên, thay vì giảm đi.

Để có số liệu tương đối, vừa qua, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các Sở ngành địa phương kiểm tra rà soát, báo cáo về thực trạng tồn kho trong lĩnh vực BĐS để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng tới. Tuy nhiên, thông qua một đơn vị tư vấn nước ngoài, con số hàng hóa tồn đọng tại hai thị trường chủ lực là Hà Nội và TP.HCM ước chừng lên đến 60.000 căn hộ (trong đó Hà Nội chiếm 40.000 căn và TP.HCM là 20.000 căn).


Hàng tồn bất động sản hiện nay chất cao như núi tuy nhiên người có nhu cầu thật sự vẫn không thể với tới

Làm một phép tính sơ sơ, giả định mức giá mơ ước trung bình là 1 tỷ đồng/căn hộ, thì tình trạng "hóa đá" của thị trường BĐS đã "chôn" cùng với nó tối thiểu 60.000 tỷ đồng, tương đương gần 3 tỷ đôla Mỹ.

Nhiều chuyên gia, lãnh đạo quản lý nhà nước nhận định giá trị BĐS tại Việt Nam tuy có điều chỉnh nhưng vẫn quá cao so với thu nhập và khả năng thanh toán của người dân. Đơn cử, thu nhập bình quân của một người dân, theo Tổng cục Thống kê, hiện chưa đến 3 triệu đồng/tháng. Với giá BĐS hiện nay, để sở hữu một căn hộ bình dân khoảng 1 tỷ đồng, họ phải mất 20-30 năm không ăn, không tiêu gì.

Để giải quyết bài toán tồn kho này, tại hội thảo có nhiều tiếng nói đến từ cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia tuy nhiên tiếng nói của doanh nghiệp bất động sản, những người được miêu tả là đang “chết lâm sàng” lại tương đối kiệm lời.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó GĐ công ty Đất Lành cho rằng: “Thị trường thị trường còn khó khăn đến hết 2013 nên đừng ngồi đó mà chờ ngân hàng hay Nhà nước cứu mình bởi bản chất của ngân hàng là đặt lợi nhuận của mình lên trên hết” Mặt khác, vị doanh nhân cũng cho rằng "Nhà nước cũng đang “bận” đi cứu các tập đoàn và nhiều ngành nghề khác nên doanh nghiệp phải tự cứu mình trước".

Theo ông Đực, trong bối cảnh khó khăn hiện nay các doanh nghiệp nên chấp nhận lỗ 50% để tồn tại với cách thức giảm giá bán, bán dự án giá thấp để giải quyết triệt để hàng tồn kho. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên làm nhỏ nhất sản phẩm, chấp nhận giảm mật độ xây dựng, diện tích xây dựng, giảm tầng xây dựng (15 tầng xuống 12 tầng).

“Mạnh tay” trong cơn khốn khó

Bộ Xây dựng cho biết, trong tháng 10 này bộ sẽ thanh tra rà soát các dự án tại 10 thành phố lớn trên cả nước theo Chỉ thị 2169 của Thủ tướng.

Đoàn kiểm tra cũng sẽ phân loại các dự án phát triển nhà ở được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp nhu cầu của thị trường, phù hợp kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.

Hiện nay, theo báo cáo của UBND TP Hà Nội hiện nay có gần 500 dự án bất động sản nằm trong diện phải tạm dừng, rà soát lại vẫn chưa được Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo. Do đó, trong đợt kiểm tra này, Bộ sẽ tập trung vào các dự án không phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở, vi phạm phát luật đất đai, xây dựng... trên cơ sở đó sẽ cân nhắc, tạm dừng một số dự án.

Với động thái quyết liệt này, có thể sắp tới một số doanh nghiệp có dự án “ngâm đất” thì khó lại càng thêm khó. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc bộ thanh kiểm tra mạnh tay hiện nay là cơ hội để sắp xếp lại thị trường. Những doanh nghiệp có tiềm lực thật sẽ tồn tại và qua đó thải loại những doanh nghiệp yếu kém…

Hà Nội tiếp tục chiến dịch thu hồi đất vàng

UBND quận Hoàn Kiếm vừa có văn bản kiến nghị thành phố Hà Nội thu hồi 6 đơn vị sử dụng đất, nhà nằm trên mặt đường các tuyến phố cổ do vi phạm các quy định trong quản lý nhà đất Dự thảo kết quả giám sát tình hình quản lý, sử dụng đất của đoàn giám sát HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, từ năm 2009 đến tháng 6/2012, các ngành và UBND quận, huyện, thị xã đã xử lý 605 tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai. Từ năm 2009 đến 2011, đã ban hành quyết định thu hồi đất của 29 tổ chức với diện tích 21,58.

Trong 6 tháng đầu năm 2012 đã lập hồ sơ và công khai danh sách thu hồi đất của 11 tổ chức với diện tích hơn 813ha. Hiện nay, Sở TN&MT đã trình UBND thành phố Hà Nội hồ sơ thu hồi đất của 9/11 tổ chức. 30 tổ chức chậm triển khai 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đã bị nhắc nhở và cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án. Có 13 tổ chức được gia hạn lần 2; 6 tổ chức được gia hạn lần 3. Đến nay, thành phố cũng đã thu hồi được 14,84ha của 15 tổ chức.


Sân bóng mini mọc lên từ những dự án chậm tiến độ

HĐND thành phố cho rằng, việc lấn chiếm, để hoang hóa sử dụng đất sai mục địch, lãng phí, cho thuê lại sai quy định vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố gây bức xúc trong nhân dân. Thành phố cũng còn nhiều dự án vi phạm các quy định về quản lý đất đai với nhiều hình thức và mức độ khác nhau như không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ, sử dụng đất được giao không đúng quy định, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính… “Tình hình đó diễn ra ở hầu hết các quận, huyện với diện tích lớn”, đoàn giám sát HĐND thành phố nhấn mạnh.

Và tranh chấp dẫn tới sự việc ‘nực cười”

Theo nhịp kiện cáo từ đầu năm tới nay, trong tuần qua nhiều khách hàng đã lên tiếng phản đổi trên các báo mạng về các dự án chậm tiến độ, tăng diện tích.

Cá biệt, báo Người lao động hôm qua 14/9, có đăng bài “Mua nhà bị đòi xem xét tư cách…cán bộ!” kể về tranh chấp của kháh hàng với Công ty Đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera.

Trước đấy, người khách hàng này cho rằng công ty Viglacea “bội tín” đã gửi đơn kiện công ty Viglacera ra tòa, khiếu nại tới các cơ quản lý nhà nước khác…Đáp lại, ông Lê Ngọc Ước, Giám đốc Công ty Đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera, đã ký văn bản gửi Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra và UBND tỉnh Điện Biên đề nghị xem xét lại tư cách cán bộ của khách hàng này.

Trong đó, ông Ước cho rằng khách hàng mua nhà mà không chịu đến công ty nộp tiền đầy đủ theo các đợt ghi trong hợp đồng; cùng người khác viết đơn gửi cơ quan chức năng khiếu nại công ty không căn cứ, làm giảm uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước này. Văn bản còn nêu rõ số ĐTDĐ, CMND, nơi thường trú của khách hàng kiện cáo này.

Nhận xét về vụ việc liên quan tới cán bộ của tỉnh mình, ông Trần Thanh Hà, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Điện Biên, cho rằng sự việc “hết sức nực cười”.

“Việc giao dịch nhà cửa là theo nguyên tắc thuận mua vừa bán, đây là hợp đồng dân sự nên xảy ra chuyện gửi đơn kiện cáo nhau thì cũng hết sức bình thường. Chúng tôi chưa nhận được văn bản của công ty nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ đứng ra giải quyết. Nếu họ đưa nhau ra tòa và nếu liên quan đến vi phạm pháp luật về công chức, đảng viên thì lúc đó chúng tôi mới lên tiếng” - ông Hà khẳng định.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí