Top

Bất động sản Hà Nội không còn hấp dẫn vốn ngoại?

Cập nhật 20/08/2014 09:36

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết lĩnh vực bất động sản lâu nay luôn thuộc nhóm dẫn đầu về thu hút FDI, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội chưa thu hút được thêm các dự án bất động sản mới.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong 6 tháng đầu năm 2014, lĩnh vực đầu tư BĐS đã thu hút được 692,3 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 10,1%, đứng thứ 3 trong số các lĩnh vực được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều nhất.
Tuy nhiên, so sánh giữa các vùng miền, có thể thấy ở khu vực TP. HCM tỷ lệ vốn ngoại đầu tư vào BĐS lớn hơn so với Hà Nội.

Tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, trong nửa đầu năm 2014 đã có khoảng 386 triệu USD vốn FDI đăng ký vào các dự án BĐS, chiếm gần 40% tổng vốn FDI cam kết vào thành phố. Tính lũy kế các dự án còn hiệu lực đến thời điểm hiện nay, lĩnh vực BĐS tại TP. Hồ Chí Minh thu hút 243 lượt dự án, tổng vốn đầu tư 12,6 tỷ USD, chiếm 36,8% tổng nguồn vốn FDI cấp mới và tăng thêm.

Có thể kể đến những dự án lớn được các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào trong nửa đầu năm như Dự án chung cư tại quận Bình Thạnh, TPHCM do Công ty TNHH Sun Wah Vietnam Real Estate Limited - Hồng Kông đầu tư 200 triệu USD; Dự án xây dựng khu nhà ở để bán và cho thuê với tổng vốn đầu tư đăng ký 102 triệu USD do Công ty Antiaris Pte Ltd của Singapore liên doanh với Công ty TNHH Tiến Phước làm chủ đầu tư...

Không chỉ tăng cường đầu tư các dự án mới, xu hướng các NĐT nước ngoài thực hiện các thương vụ mua bán dự án trong nước thời gian qua cũng tăng mạnh tại TPHCM. Đơn cử trong tháng 01/ 2014 tập đoàn Tung Shing ở Hồng Kông đã mua 53% cổ phần của khách sạn Movenpick Sài Gòn. Sau đó, Lotte Mart – tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc – đã mua lại Pico Plaza để mở rộng hoạt động.

Còn tại Hà Nội, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết lĩnh vực bất động sản lâu nay luôn thuộc nhóm dẫn đầu về thu hút FDI, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội chưa thu hút được thêm các dự án bất động sản mới. Nguyên nhân là do thị trường kinh doanh bất động sản trầm lắng; quỹ đất và nhà xưởng sẵn có để đáp ứng việc thu hút sản xuất công nghiệp của thành phố còn hạn chế, hầu hết các khu công nghiệp đang hoạt động đã được lấp đầy.

Tính  đến thời điểm hiện tại, Hà Nội chỉ có dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây được rót 234 triệu USD vốn đầu tư là đáng kể nhất.

Đánh giá về diễn biến dòng vốn FDI vào BĐS trong 6 tháng cuối năm 2014, ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam từng cho biết:  “Nửa cuối năm nay, chúng tôi nghĩ vẫn theo xu hướng của 6 tháng đầu năm, tức là dòng vốn FDI vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào các dự án bất động sản ở khu vực phía Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh sẽ thu hút nhiều hơn Hà Nội”. Tuy nhiên, ông Richard cũng tiết lộ, một số dự án ở Hà Nội hiện vẫn đang được các nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.


DiaOcOnline.vn - Theo Infonet