Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khi trao đổi với phóng viên Dân trí trong nhân dịp năm mới 2013.
Trao đổi với Dân trí, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, các nhóm giải pháp tổng thể mà Bộ Xây dựng đề xuất về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đã được các Bộ, địa phương, dư luận đồng tình ủng hộ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã kết luận và sẽ được ban hành thành Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ để tổ chức triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2013.
“Tôi tin rằng, với những giải pháp được đánh giá là trúng và khả thi, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý từ cấp Trung ương đến địa phương, sự cố gắng, nỗ lực tự điều chỉnh của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, cộng đồng trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, cùng với sự hồi phục của kinh tế thế giới, sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước, lạm phát được kiềm chế, lãi suất tín dụng giảm đến mức hợp lý và đặc biệt là niềm tin của người dân đối với thị trường, chắc chắn thị trường bất động sản năm 2013 sẽ có bước cải thiện, tạo đà cho sự phát triển ổn định vào các năm sau“, Bộ trưởng Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định năm nay thị trường bất động sản sẽ khởi sắc |
* Có nhiều ý kiến cho rằng giải cứu thị trường bất động sản chủ yếu hướng tới doanh nghiệp mà chưa đề cập tới người mua nhà. Bộ trưởng có suy nghĩ gì về nhận xét này ?
Không phải như vậy. Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã gắn với việc thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, đặc biệt là có giải pháp cụ thể để phát triển nhà ở xã hội nhằm cân đối cung cầu các sản phẩm nhà ở, phù hợp với khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân. Làm nhà xã hội chính là một gói kích cầu đa mục đích mà cả người dân, doanh nghiệp và nhà nước đều có lợi.
Ngoài ra, các giải pháp hỗ trợ tăng cầu được coi là giải pháp có tính quyết định để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tình hình hiện nay. Bộ Xây dựng đã đề nghị Chính phủ có gói tín dụng dành cho người mua nhà, theo đó các Ngân hàng thương mại dành tỷ lệ tối thiểu 3% tổng dư nợ tín dụng cho các đối tượng có thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay mua, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất cho vay bằng khoảng 2/3 lãi suất huy động tiết kiệm, thời hạn từ 10-15 năm, phần chênh lệch lãi suất sẽ được giải quyết bằng cho vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước và hỗ trợ lãi suất từ các địa phương. Nhiều ngân hàng cũng đã cam kết tăng tỷ trọng tín dụng dành cho người mua nhà. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đăng ký, điều chỉnh căn hộ cao cấp, trung cấp xuống căn hộ bình dân hoặc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm nhà ở theo hướng tăng nhà ở xã hội.
Như vậy, có thể thấy các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã hướng tới người dân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp có điều kiện cải thiện nhà ở.
* Trên thực tế, giá nhà dù đã giảm đáng kể nhưng vẫn quá cao so với thu nhập của người dân thành thị. Với mức giá như vậy, giấc mơ sở hữu ngôi nhà của người dân thành thị vẫn xa vời. Ý kiến Bộ trưởng về vấn đề này thế nào?
Đúng là trong thời gian vừa qua, do nhiều nguyên nhân, giá nhà ở, nhất là tại các đô thị lớn tăng cao, vượt quá khả năng của phần lớn người dân có nhu cầu mua nhà để ở. Để từng bước đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở phù hợpcho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau, ngày 30/11/2012 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Chiến lược đã phân định rõ hai loại thị trường nhà ở là nhà ở thị trường hàng hóa và nhà ở thị trường phi hàng hóa để có chính sách điều chỉnh cho phù hợp. Nhà nước có cơ chế, chính sách để thúc đẩy và điều tiết thị trường nhà ở hàng hóa phát triển lành mạnh, đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường.
Đồng thời, Nhà nước có cơ chế, chính sách và chủ động phát triển thị trường nhà ở phi hàng hóa (nhà ở xã hội) để giải quyết chỗ ở cho các nhóm đối tượng gặp khó khăn về nhà ở, không đủ khả năng chi trả nhà ở theo cơ chế thị trường. Nhà nước cũng sẽ có chính sách tín dụng dành cho các đối tượng có thu nhập thấp vay để mua, thuê mua nhà ở như tôi đã nói ở trên.
Đầu tháng 12/2012, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để cụ thể hóa các quan điểm của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Trong đó, quy định cụ thể về tiêu chuẩn thiết kế và diện tích nhà ở xã hội, các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi phát triển nhà ở xã hội; giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội,....
Với việc áp dụng các quy định này cũng như thực hiện các giải pháp thiết kế, công nghệ thi công hợp lý, sử dụng các loại nguyên vật liệu được sản xuất trong nước,....thì giá bán nhà ở xã hội sẽ hạ thấp, phù hợp với khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về các loại hình nhà ở cho thuê, thuê mua nhà ở nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng năm nay giá nhà xã hội sẽ hạ thấp, phù hợp với khả năng thanh toán của người dân |
* Thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư liên tục giảm giá thương mại. Hiện tại trên thị trường có một số dự án nhà thương mại giá thấp hơn nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội. Nhiều ý kiến lo ngại khi giá nhà thương mại về ngang bằng hoặc thấp hơn nhà thu nhập thấp thì nhà thu nhập thấp sẽ ế, không bán được. Ý kiến Bộ trưởng về nhận định này thế nào ?
Giá nhà thương mại không thể thấp hơn giá nhà xã hội được vì nhà ở thương mại diện tích lớn, chi phí nhiều hơn, nhà ở xã hội thì được hưởng ưu đãi của Nhà nước và kiểm soát giá. Nếu có thấp hơn ở đâu đó thì trường hợp rất cá biệt, chúng ta không nên đưa cái cá biệt để nói về cái phổ biến được. Nếu giá nhà thương mại thấp hơn (giá nhà ở xã hội) thì doanh nghiệp sẽ khó khăn, không có sự phát triển, sẽ kéo theo nền kinh tế khó khăn.
* Có ý kiến cho rằng, việc đề xuất quy định Nhà nước mua lại chung cư làm nhà tái định cư rất khó khả thi. Hiện nay, nhà chung cư không bán được thường nằm ở phân khúc trung, cao cấp, vị trí đẹp nên giá thành cao thì người tái định cư với mức thu nhập trung bình sẽ không với đến. Ý kiến Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào ?
Hiện nay chúng ta vẫn phải bỏ ngân sách để đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, chứ không phải thêm ngân sách để mua nhà tái định cư. Điều này phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của từng địa phương, từng dự án cụ thể. Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, mặt khác đáp ứng nhu cầu về nhà tái định cư, Bộ Xây dựng đề xuất các địa phương có tồn kho sản phẩm bất động sản lớn, hạn chế tối đa đầu tư từ ngân sách để xây dựng nhà ở tái định cư mà dùng vốn đầu tư đã có trong kế hoạch để mua lại các dự án nhà ở thương mại phù hợp làm nhà tái định cư.
Đương nhiên khi mua thì phải căn cứ nhu cầu, lựa chọn vị trí cụ thể, thiết kế, thi công công trình nhà ở đó phù hợp hoặc có thể điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu tái định cư; giá mua cũng phải trên nguyên tắc phù hợp với giá thị trường; trình tự, thủ tục cũng phải đấu giá công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của chủ đầu tư và của người dân tái định cư.
* Thưa Bộ trưởng, nhiều đại biểu Quốc hội và nhân dân vẫn lo ngại về tình trạng lãng phí, thất thoát trong xây dựng, đặc biệt đối với các dự án sử dụng vốn Ngân sách nhà nước. Vậy trong năm 2013 ngành xây dựng có giải pháp hữu hiệu gì để ngăn chặn tình trạng nêu trên ?
Tình trạng lãng phí, thất thoát trong xây dựng cơ bản là một thực tế được nhiều đại biểu Quốc hội và nhân dân quan tâm, đặc biệt đối với các dự án sử dụng vốn Ngân sách nhà nước. Tình trạng này dẫn tới chất lượng công trình bị suy giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả dự án đầu tư xây dựng công trình, gây dư luận xấu trong xã hội. Để ngăn chặn, hạn chế tình trạng trên, Bộ Xây dựng đã phối hợp cùng các Bộ ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng, hạn chế thất thoát lãng phí.
Về hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý đầu tư xây dựng: Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng với bước đột phá về tư duy quản lý, tăng cường công tác quản lý nhà nước từ “hậu kiểm” như hiện nay sang thực hiện “tiền kiểm” ngay từ khâu thiết kế nhằm hạn chế các vi phạm dẫn đến lãng phí, thất thoát, ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng. Nghị định đã làm rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia trong quản lý chất lượng công trình; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở Trung ương và địa phương; bổ sung quy định của pháp luật về thẩm định thiết kế; công khai thông tin năng lực của các nhà thầu; kiểm tra chất lượng công trình trước khi đưa vào sử dụng,....
Đối với thiết kế xây dựng công trình, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thẩm tra về an toàn công trình đối với các công trình liên quan đến an toàn cộng đồng, riêng các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước sẽ thẩm tra sự hợp lý của thiết kế để đảm bảo tiết kiệm chi phí đầu tư. Trong quá trình thi công xây dựng, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng sẽ kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư ở các giai đoạn thi công quan trọng và kiểm tra trước khi đưa công trình vào sử dụng.
Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ cũng đang chủ trì nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng, Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng; sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng. Tập trung chỉ đạo hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế- kỹ thuật trong hoạt động xây dựng.
Ngoài ra, Bộ cũng thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng; kiểm tra chất lượng công trình, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các chủ thể có hành vi vi phạm; chú trọng nâng cao năng lực tổ chức thực hiện dự án của chủ đầu tư, các nhà thầu và chủ quản lý sử dụng công trình.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi, chúc Bộ trưởng và ngành xây dựng năm mới sức khỏe, vượt khó thành công.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí