So với thành phố Sài Gòn trước năm 1975, đến nay khu vực đô thị thành phố mang tên Bác Hồ đã tăng gần gấp đôi. Khu trung tâm thành phố - theo đồ án quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2010.
Không chỉ gói gọn ở quận 1 mà đã mở rộng thêm một phần quận 3, 4 và Bình Thạnh. Huyện Thủ Đức ngày xưa nay đã trở thành quận 9 và quận Thủ Đức. Một phần huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè đã trở thành quận 12, quận 7, Bình Tân, Tân Phú…
Sài Gòn đẹp lắm...
Những ai đã từng xa Sài Gòn - TPHCM hàng chục năm trước, nay trở về chắc không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay đến không ngờ của “vùng đất dữ” quận 4.
Suốt dọc trục đường Khánh Hội, Nguyễn Tất Thành… là những ô nhà phố hình bàn cờ khang trang, sạch sẽ. Khách, dù là người tinh mắt cũng khó tìm thấy dấu vết vùng “đất dữ” ngày xưa.
Bên cạnh những ô nhà phố là các cao ốc mới, hiện đại với khoảng không gian công cộng thông thoáng. Đây là kết quả của chính sách chỉnh trang đô thị theo hướng “bóc lõm” cả khu phố xập xệ và thay vào đó là các cao ốc. Diện tích đất dôi dư đã được sử dụng làm không gian công cộng cho cả cộng đồng.
Phải đến ở trong một chung cư ở quận 4 vào những đêm hè oi ả mới cảm nhận hết ý nghĩa của sự chỉnh trang này. Không gian thoáng đãng đã tạo ra những luồng gió mát từ sông Sài Gòn thổi đến khu dân cư mới.
Theo ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, thực ra quận 4 chưa phải là quận đi tiên phong trong việc chỉnh trang đô thị theo hướng xây dựng lại cả một ô phố như vậy. Quận 5 mới là đơn vị đi đầu nhưng quận 4 lại là quận thực hiện chương trình này thành công nhất. Việc chỉnh trang đô thị đã làm quận 4 thay đổi gần như toàn bộ bộ mặt của mình.
Khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng có sự thay đổi thần kỳ. Theo một số người đã ở Sài Gòn trước 1975, do hậu quả chiến tranh nhiều gia đình mất nhà đã đến cư ngụ dọc bờ kênh này từ những năm 1960 - 1970 của thế kỷ trước, đã tạo ra một trong những khu nhà ổ chuột lớn nhất Sài Gòn.
Đầu những năm 1993 - 1994, TPHCM đã quyết tâm giải tỏa nhà ổ chuột và chỉnh trang lại toàn bộ con kênh này. Đã có không ít băn khoăn về tính khả thi của quyết tâm ấy bởi thực sự lúc đó thành phố còn nghèo. Thế nhưng, TPHCM đã làm được và theo TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, kết quả này trở thành một trong những yếu tố quyết định để Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay 200 triệu USD xây dựng lại toàn bộ hệ thống cống thoát nước, cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Dự án này vẫn chưa hoàn thành nhưng bộ mặt đô thị nơi đây đã hoàn toàn khác xưa. Không còn những ngôi nhà lụp xụp, nhếch nhác nằm trên kênh rạch, thay vào đó là những ngôi nhà mới được xây dựng quy củ.
Quận 7 - Nhà Bè xưa thưa thớt người, nay đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã trở thành vùng đất “trong mơ của nhiều người”. Và không chỉ có Phú Mỹ Hưng, nhiều khu vực ở quận 7 - Nhà Bè khác cũng đang trở thành đích nhắm của nhiều người như đô thị Phước Kiểng, đô thị cảng Hiệp Phước… Những vùng đất sình lầy, nhiễm mặn ngày xưa của quận 7 - Nhà Bè đã bị “đẩy” tít ra xa. Tương lai mảnh đất này còn phát triển hơn nữa bởi TPHCM đã quyết định phát triển hệ thống cảng biển nước sâu và dịch vụ cảng biển lớn nhất ở đây.
Khu vực nội thành cũ bao gồm các quận 1, 4, 5, Phú Nhuận… do đã phát triển khá ổn định nên không có những bước chuyển mình mạnh mẽ như các quận huyện khác, nhưng tại đây cũng có rất nhiều cao ốc mới đang mọc lên. Việc xuất hiện của chúng còn gây nhiều tranh cãi về tính thẩm mỹ, những tác động xấu đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện hữu nhưng những tòa cao ốc này đang góp phần đổi mới diện mạo thành phố, làm thành phố ngày càng to đẹp, đàng hoàng và hiện đại hơn. “Hòn ngọc Viễn Đông”, đang tiếp tục được mài dũa, tỏa sáng…
Các cao ốc tiếp tục vươn mình ở khu vực trung tâm TP. Ảnh: Việt Dũng |
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng