Top

Bạc Liêu tăng tốc phát triển từ các dự án động lực

Cập nhật 01/11/2011 14:40


Thành phố Bạc Liêu ngày càng khang trang, sạch đẹp
Các dự án lớn như Khu kinh tế biển Gành Hào, Cảng biển Gành Hào, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Thịnh… khi triển khai sẽ là động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu phát triển.

Nhiều dự án mới hoàn thành

Vào đầu tháng 10/2011, Công ty cổ phần Du lịch sinh thái Hồ Nam đã tổ chức khánh thành và đưa Khu du lịch sinh thái Hồ Nam

(TP. Bạc Liêu) vào hoạt động. Với tổng diện tích 20 ha, vốn đầu tư 100 tỷ đồng, đây là một trong những dự án du lịch có quy mô khá lớn tại Bạc Liêu. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu sẽ có thêm nhiều công trình, dự án lớn khánh thành và chính thức đi vào hoạt động. Đó là Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu (có công suất 99 MW, vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng); với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng, Dự án Bạc Liêu Tower 18 tầng là tòa nhà cao nhất Đồng bằng sông Cửu Long tại thời điểm hiện nay…

Ngoài ra, nhiều dự án lớn khác cũng đang gấp rút thi công, hoàn thiện và chuẩn bị khánh thành, đi vào hoạt động. Mặc dù thu hút đầu tư vào Bạc Liêu chỉ thật sự khởi sắc từ đầu năm 2010, nhưng các dự án đầu tư vào tỉnh được đánh giá là có chất lượng cao và tiến độ triển khai thực hiện nhanh thuộc dạng bậc nhất ở ĐBSCL, do các nhà đầu tư thực sự có thiện chí và năng lực, lại được sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền địa phương.

Tiếp nối thành công của năm 2010, trong năm nay, tình hình thu hút đầu tư vào Bạc Liêu đạt được kết quả rất khả quan.

Ông Trương Tấn Mười, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong 10 tháng đầu năm nay, tỉnh đã tiếp nhận 42 dự án xin đầu tư, với 16 dự án có vốn đăng ký đầu tư là 1.207,3 tỷ đồng và 225 triệu USD. 26 dự án còn lại chưa đăng ký vốn.

“Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với cơ chế chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, sự nỗ lực của các sở, ngành, các địa phương trong phối hợp xử lý công việc đầu tư nhanh chóng, đảm bảo đúng quy trình về thủ tục đầu tư…, từ đó môi trường đầu tư dần được cải thiện, đem lại sự chuyển biến tích cực trong hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh”, ông Mười nói.

Xác định các dự án động lực về công nghiệp và du lịch

Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, nhưng chắc chắn, đảm bảo bền vững, tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020; quy hoạch ngành, lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, thế mạnh, làm cơ sở cho việc xây dựng các dự án đầu tư phát triển.

Khu kinh tế biển Gành Hào sẽ được hình thành theo mô hình khu kinh tế tổng hợp bao gồm, các chức năng: trung tâm sản xuất công nghiệp; chế biến thủy sản; khu đóng, sửa chữa tàu biển, trung tâm nhiệt điện, khai thác chế biến khí; trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái biển; trung tâm dịch vụ đô thị; trung tâm khai thác, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao; trung tâm về dịch vụ vận tải biển và trung chuyển hàng hóa... Đây được xem là trung tâm công nghiệp trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu. Khu kinh tế biển Gành Hào khi được hình thành sẽ liên kết với các khu kinh tế trong vùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, giữ vai trò là một trong những cửa ngõ giao thương trọng điểm trong vùng.

Cảng biển Gành Hào được quy hoạch là cảng biển tổng hợp địa phương (loại II, trong hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020), được xây dựng tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải. Cảng biển được xây dựng với diện tích 13 ha, có quy mô công suất 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm, tiếp nhận được tàu có tải trọng từ 5.000 đến 10.000 tấn. Các hạng mục xây dựng nơi đây gồm: khu bến thương mại tổng hợp, khu bến chuyên dùng của cơ sở công nghiệp, có quy mô lớn thuộc Khu kinh tế biển Gành Hào.

Khi hoàn thành và đi vào hoạt động, Cảng biển Gành Hào sẽ góp phần tạo nên sự liên kết trong lưu thông vận chuyển, trao đổi hàng hóa giữa các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.

Trung tâm Điện lực tỉnh Bạc Liêu được quy hoạch ở vị trí tiếp giáp với khu vực quy hoạch Khu kinh tế biển Gành Hào, gần cửa biển Cái Cùng thuộc huyện Đông Hải, với quy mô dự kiến 1.000 ha (bao gồm phần đất liền và diện tích mặt nước biển liền kề). Tổng công suất thiết kế của Trung tâm Điện lực là 3.600 MW (cho cả 3 giai đoạn). Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện năng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, tỉnh tập trung đầu tư phát triển mạnh ngành du lịch nhằm khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh riêng của mình, để Bạc Liêu trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Cụ thể, tỉnh sẽ phát triển du lịch và dịch vụ ven biển với việc đầu tư xây dựng các Khu du lịch phức hợp Nhà Mát với tổ hợp khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm...; Khu du lịch Gành Hào; nâng cấp hạ tầng du lịch Vườn chim Bạc Liêu; đầu tư mở rộng khu Quán âm Phật đài với quy mô lớn; đầu tư khu du lịch sinh thái, resort ven biển, các khu vui chơi giải trí thu hút khách du lịch…

Quyết tâm lớn của lãnh đạo tỉnh

Với quan điểm cho rằng, các dự án trên sẽ có tác động lớn đến sự phát triển của tỉnh, nên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2011- 2015 xác định rõ rằng, triển khai các dự án động lực về công nghiệp và phát triển du lịch là hai trong bốn khâu đột phá trong thực hiện các mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

Để cụ thể việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XIV, Tỉnh ủy đã và sẽ xây dựng một số nghị quyết chuyên đề, như Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển du lịch, Nghị quyết về xây dựng Khu kinh tế Gành Hào…

Bên cạnh đó, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 của HĐND tỉnh Bạc Liêu và Kế hoạch Phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 của UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã xác định việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án động lực: Khu kinh tế biển Gành Hào, Trung tâm Điện lực, Cảng Gành Hào, điện gió, khu công nghiệp Trà Kha, Láng Trâm, Ninh Quới… Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp có tính đột phá thức đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh trong giai đoạn tới.

Chính vì vậy, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh chỉ đạo cần khẩn trương lập các thủ tục để trình Chính phủ bổ sung vào quy hoạch chung của cả nước

Với sự tập trung quyết liệt của tỉnh trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục về mặt pháp lý, đến nay, Trung tâm Nhiệt điện Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030. (Quyết định số 1208/QĐ - TTg ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ). Cảng biển Gành Hào cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào danh mục cảng biển trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Riêng Khu kinh tế Gành Hào đang trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đầu năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng đã thống nhất về nguyên tắc chủ trương hình thành Khu Kinh tế biển Gành Hào.

Đối với các dự án lớn đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển chung của cả nước, như Trung tâm Nhiệt điện, Cảng biển Bạc Liêu, tỉnh đang tiếp tục triển khai các bước tiếp theo lập dự án, kêu gọi đầu tư… Điều phấn khởi là Dự án Trung tâm Nhiệt điện đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Về phía tỉnh đang xem xét, lựa chọn nhà đầu tư vừa có năng lực và công nghệ sử dụng đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường, không làm ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển khác của tỉnh.

Với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, cùng với sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương, hy vọng rằng, các dự án lớn trên sẽ được nhanh chóng triển khai, tạo ra bước đột phá về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa tỉnh Bạc Liêu tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư