Top

Ba vấn đề làm được và chưa được trong quản lý đất đai

Cập nhật 08/08/2007 11:00

Theo Bộ trưởng Bộ TN và MT - Mai Ái Trực, thời gian qua, công tác quản lý đất đai đã có nhiều tiến bộ.

Thứ nhất, đó là đã hình thành quan niệm mới về đất đai, bởi đất đai không chỉ là tài nguyên mà còn là nguồn lực cho phát triển.

Thứ hai, đã xóa bao cấp về giá đất theo nguyên tắc giá đất phải sát giá thị trường. Đây là cơ sở để tránh tình trạng xà xẻo, tham nhũng đất đai và cũng khắc phục việc bồi thường đất đai cho người dân không thỏa đáng.

Thứ ba, đã giải quyết nhiều vấn đề tồn tại về đất đai do lịch sử để lại.

Song, Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, nhận thức về quan điểm đổi mới, về pháp luật đất đai chưa tốt. Chính vì "hiểu biết pháp luật hiện hành về đất đai chưa tốt nên dẫn đến nhiều sai phạm. Mặc dù đã có cơ chế xóa bao cấp, từng bước đưa giá đất tiếp cận với thị trường, nhưng vẫn còn tình trạng địa phương chưa áp dụng, duy trì cơ chế xin - cho nặng nề. Ba là, cơ chế giải quyết khiếu nại về đất đai chưa phù hợp, ít hiệu quả" - Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ TN & MT, 100% các trường hợp khiếu kiện mà người dân "xin được gặp Bộ trưởng" ở buổi tiếp dân thường kỳ gần đây nhất (ngày 26/7), đều liên quan đến đất đai. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung lại, chủ yếu là do chính sách, pháp luật về đất đai trong thời gian dài không đồng bộ, thiếu cụ thể và thiếu nhất quán. Công tác bồi thường GPMB có nhiều bất cập.

Điều này thể hiện ở cách giải quyết chưa tốt mối quan hệ giữa quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện sở hữu toàn dân về đất đai và quyền của người sử dụng đất đã được pháp luật công nhận, dẫn tới nhấn mạnh quyền thu hồi đất của Nhà nước, nhấn mạnh việc tạo vốn từ quỹ đất mà chưa quan tâm đầy đủ tới lợi ích chính đáng của người sử dụng đất.
 
Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích của xã hội với lợi ích của những người có đất bị thu hồi, thường chỉ nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc GPMB để có được dự án, chưa chú ý những vấn đề xã hội nảy sinh sau khi thu hồi đất.Dẫn tới không bảo đảm điều kiện tái định cư, không có phương án tích cực về giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất.

Chưa giải quyết tốt mối quan hệ về lợi ích giữa nhà đầu tư cần sử dụng đất với người có đất bị thu hồi, thường nhấn mạnh đến môi trường đầu tư, nóng vội GPMB để giao đất, cho thuê đất. Việc quy định giá đất quá thấp so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường, tuy có tác động tích cực tới việc khuyến khích nhà đầu tư, nhưng lại gây ra những phản ứng gay gắt của những người bị thu hồi đất.

Một nguyên nhân nữa là sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai. Sau khi có Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhiều địa phương chưa kịp thời ban hành đủ các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh để triển khai; chưa nắm chắc những đổi mới, những quy định mới nên vẫn còn áp dụng những quy định cũ đã bị hủy bỏ hoặc thay thế…
 
Những bất cập này đã tạo nên những vụ khiếu kiện mới về đất đai, tuy không nhiều như trước, nhưng đã gây bức xúc trong dân. Đi cùng với đó là sự yếu kém, bất cập trong công tác quản lý cộng với một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức có những hành vi vụ lợi trong quản lý, sử dụng đất đai, nhũng nhiễu, thiếu công tâm là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh những khiếu nại, tranh chấp về đất đai…

Theo Nguyên Đào - Kinh Tế & Đô Thị