Quốc lộ 1A đoạn Cần Thơ - Cà Mau đã được đưa vào sử dụng nhưng hiện nay vẫn còn 16 cây cầu xuống cấp. Trong đó Bạc Liêu có 8 cầu, Sóc Trăng 4 cầu, Hậu Giang và TP Cần Thơ mỗi địa phương 2 cầu.
Hiện dự án khôi phục và xây mới những cầu này đã được triển khai nhưng rất chậm do vướng công tác giải phóng mặt bằng. Theo Ban quản lý dự án 2 thuộc Cục đường bộ VN, tổng vốn giải phóng mặt bằng để khôi phục, xây mới 16 cầu trên quốc lộ 1A (giai đoạn 3) lên đến 421 tỉ đồng. Những địa phương có dự án đi qua là Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang và TP Cần Thơ với trên 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
Sau nhiều lần cam kết, ngày 6-1, làm việc với Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ngô Thịnh Đức tại Bạc Liêu, lãnh đạo các tỉnh thành có dự án nâng cấp, xây mới 16 cầu xuống cấp trên quốc lộ 1A tiếp tục hứa sẽ sớm di dời nhà dân và các công trình công cộng để giao đất cho đơn vị thi công trong thời gian hai tháng đầu năm 2009.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, nhiều hộ có nhà, đất ảnh hưởng dự án vẫn chưa đồng ý giao đất vì cho rằng chủ đầu tư đền bù không công bằng dẫn đến khiếu nại kéo dài nên nhiều khả năng sẽ không giao được “đất sạch” cho đơn vị thi công đúng thời gian như Ban quản lý dự án 2 đề ra.
Ông Ngô Hữu Dũng - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bạc Liêu - cho rằng mặc dù có nhiều cầu chưa giao được mặt bằng nhưng chắc chắn sẽ hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 2-2009 vì không có nhiều hộ bị ảnh hưởng mà chủ yếu vướng đường dây điện. Ông Dũng nói: “Chúng tôi đã giải ngân chi phí di dời hệ thống điện cho ngành điện lực nên trước Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009 sẽ di dời dây, trụ điện tại ba cầu và năm cầu còn lại sẽ di dời sau tết”.
Theo Ban quản lý dự án 2, khó khăn lớn nhất hiện nay là 18 hộ tại cầu Nhu Gia (Sóc Trăng) chưa đồng ý giá đền bù, 112 hộ ở cầu Cái Răng (TP Cần Thơ) và Phụng Hiệp (Hậu Giang) chưa chịu di dời vào khu tái định cư.
Để giao thông các tỉnh ĐBSCL sớm được thông mạch, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức yêu cầu các tỉnh thành có dự án đi qua khẩn trương giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư cho các hộ dân chậm nhất đến cuối tháng 2-2009. Đối với tỉnh Bạc Liêu, ngành hữu quan cần phối hợp nhịp nhàng nhằm sớm di dời lưới điện ra khỏi khu vực ảnh hưởng dự án để sớm có được “đất sạch”.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ