Top

Thánh đường Strasbourg

Cập nhật 26/04/2010 11:30

Strasbourg là một thị trấn được người La Mã xây từ năm 15 TCN. Nhà thờ đầu tiên của thị trấn đã có từ thế kỉ IV, nhưng hiện không còn để lại dấu tích. Sau đó, thêm một vài nhà thờ khác được xây trên nền cũ. Nhưng tất cả đều lần lượt bị phá huỷ, hoặc do chiến tranh, hoặc do hoả hoạn.


Thánh đường Strasbourg hiện nay được xây từ năm 1180. Công việc kéo dài suốt nhiều thế kỷ: vừa sửa chữa, vừa tu bổ, vừa xây mới. So với các thánh đường lớn khác ở Pháp, thánh đường Strasbourg còn giữ lại được một số chi tiết kiểu Roman, trong đó nổi bật nhất là khu hầm mộ.

Thánh đường gồm một sảnh chính với các gian bên, một cánh ngang hình bán nguyệt, một gian điện trùng với chỗ giao nhau giữa sảnh chính và cánh ngang, một hậu cung được vây bọc bởi hai nhà nguyện hình chữ nhật.

Được xây trên nền đã có từ năm 1015, sảnh chính có một chiều rộng bất thường, rộng hơn 30m, tính cả hai gian bên, mỗi gian 8m, còn chiều cao là 32m, nếu tính cả phần tháp nhọn thì cao đến 142m. Sảnh chính có cả thảy 7 gian.


Trong lúc sảnh chính được thiết kế hoàn toàn theo kiểu Gotique, thì khu hầm mộ lại vẫn giữ nguyên kiểu kiến trúc Roman.

Phần kiến trúc bên ngoài đáng để ý nhất là mặt Tây, được xây trong khoảng thời gian suốt từ một thế kỉ rưỡi - từ năm 1273 đến năm 1439.




Mặt tây biểu thị một xu hướng vươn lên thật cao theo chiều thẳng đứng. Xu hướng này càng trở nên rõ hơn bởi chiều cao quá mức của phần tháp nhọn - đến 142m. Để gia cố phần tháo, người ta phải xây đến 6 cột tường ốp.




Mặt Tây gồm các phần chính sau: tầng trệt với 3 cổng, tầng thứ nhất có một mô típ chính theo quy định chung - một bông hồng nằm dưới một dãy hành lang được dựng lên bằng các tượng thánh tông đồ. Tầng thứ hai là tầng các tháp. Dãy tường của tháp được đục thủng thành các cửa sổ dài và được nối với nhau bằng các khoảng tường được trang trí nhiều phù điêu.


Đầu thế kỉ XV, một nhà kiến trúc đã xây trên mặt tháp phía bắc một ngọn tháp hình bát giác, và đến giữa thế kỉ XV người ta dựng lên trên đó một tháp mũi tên. Tuy đây là một công trình tuyệt tác, rất có giá trị về mặt thẩm mĩ, phần thêm thắt này dễ tạo ra một cảm giác mất cân bằng, nếu người ta quan sát thành đường từ mặt phía tây.

Mặc dù bị huỷ hoại nhiều trong thời kì Cách mạng, mặt Tây vẫn còn là phần kiến trúc giàu nhất về tượng, trong đó có bộ tượng rất nổi tiếng: các Nữ thánh thiện đang cầm lao đe doạ những kẻ xấu nằm mọp dưới chân họ.




Thánh đường Strasbourg còn giữ lại những bộ tranh kính rất đẹp, dù một số đã bị phá huỷ trong cuộc chiến tranh 1870- 1871 giữa Pháp và Phổ: bộ tranh các vua ở cửa sổ gian bên phía bắc, bộ các bông hồng ở cánh Nam, ở sảnh chính... Trong đo, bộ 14 gian tấm thảm đẹt trong thế kỉ XVII được dùng để trang trí cho các dãy cuốn của sảnh chính với chủ đề xoay quanh cuộc đời và cuộc sống vinh quang của Đức Mẹ Đồng Trinh.


Ra đời ở Pháp, nghệ thuật kiến trúc Gotique đã tác động mạnh đến toàn thể Châu Âu. Các kiến trúc sư Pháp được khắp nơi mời gọi. Nhưng điều đáng nói là họ biết dựng lên các trường phái nghệ thuật kiến trúc Gotique khác nhau bằng cách vận dụng ý tưởng nghệ thuật Pháp để tìm ra một công thức riêng, phù hợp với quan điểm nghệ thuật sở tại, nghĩa là ở mỗi nước, nghệ thuật Gotique đều tìm cách thích ứng với truyền thống và phong cách tại chỗ. Nhờ đó, các kiến trúc sư Pháp đã tạo ra nhiều công trình Gotique tuyệt đẹp mang đậm dấu ấn địa phương.


Bước sang thế kỉ thứ XV, nghệ thuật Gotique tiếp tục giữa vị trí ưu thế và được phát triển một bước thành “Gotique rực cháy”. Nhưng đây cũng là thời kỳ phong trào phục hưng bắt đầu nổi lên mạnh mẽ, để chẳng lâu sau đó chiếm lĩnh hầu như toàn bộ Châu Âu.

DiaOcOnline.vn - Theo website VNComic
Ảnh: Internet