Nằm trên hòn đảo Saint Marten, West Indies (thuộc quyền kiểm soát của người Hà Lan), “công chúa Juliana” rất nổi tiếng nhờ bãi hạ cánh siêu ngắn và là sân bay bận rộn thứ 2 ở Đông Ca-ri-bê.
1. Sân bay quốc tế công chúa Juliana (Saint Martin)
Juliana có bãi đáp rộng 2.180 m chỉ vừa đủ cho một chiếc máy bay phản lực cỡ lớn. Do đó, khi sắp hạ cánh, máy bay phải bay cực kỳ thấp, ngay trên bờ biển Maho.
Người ta đã chụp được hình những chiếc phản lực bay trên đầu khách du lịch cách khoảng 10-20 m, chính vì lý do này mà Juliana trở thành một điểm đến yêu thích cho những người thích ngắm máy bay. Dù có khó khăn về hạ cánh, nhưng Juliana vẫn là một sân bay an toàn và chưa có tai nạn hàng không lớn nào xảy ra.
2. Sân bay Juancho E. Yrausquin (biển Ca-ri-bê)
Juancho E. Yrausquin là sân bay duy nhất trên hòn đảo Saba ở Tây ấn Hà Lan (Netherlands Antilles), thuộc vùng biển Ca-ri-bê. Các phi công dày dạn kinh nghiệm đều nắm rất rõ cách máy bay tiếp cận hay cất cánh khỏi sân bay.
Yrausquin bao phủ một phần lớn hòn đảo nhỏ Saba. Các chuyên gia hàng không đều có ý kiến chung rằng nó là một trong những sân bay nguy hiểm nhất trên thế giới mặc dù vẫn chưa có sự cố nào xảy ra. Đường băng duy nhất của sân bay được đánh dấu X ở mỗi đầu để ra dấu cho phi công thương mại hiểu rằng họ không thể hạ cánh ở đây vì sân bay không mở cửa cho các chuyến bay thương mại.
Sự nguy hiểm tiềm ẩn ở vị trí của sân bay với 1 bên sườn là đồi núi cao, bên còn lại và hai đầu của đường băng là những vách đá sát biển. Điều này tăng nguy cơ máy bay có thể chạy quá đường băng trong khi hạ cánh hay cất cánh và có thể khiến máy bay rơi xuống biển hay thành đống sắt vụn bên vách đá.
3. Sân bay Courchevel (Pháp)
Courchevel là tên một khu trượt tuyết trên dãy núi Alps của Pháp và là khu vực trượt tuyết nối liền nhiều nước lớn nhất thế giới. Sân bay Courchevel rất nổi tiếng trong ngành công nghiệp hàng không nhờ chiều dài “ngắn ngủn” 525 m và độ dốc 18,5%. Nó ngắn đến nỗi máy bay phải hạ cánh trên một đường băng nghiêng dốc để giảm tốc và cất cánh từ một dốc xuống để lấy đủ tốc độ.
4. Sân bay Gustaf III (biển Ca-ri-bê)
Gustaf III là một sân bay công cộng nằm ở ngôi làng St. Jean trên hòn đảo Saint Barthélemy, biển Ca-ri-bê. Cả sân bay và thị trấn Gustavia trên đảo đều được đặt theo tên vua Gustav III của Thuỵ điển. Dưới thời vị vua này, Thuỵ điển đã chiếm được hòn đảo từ tay người Pháp vào năm 1785 (hòn đảo đã được bán lại cho Pháp năm 1878).
Bãi đáp của Gustavia nằm ở chân của một đường dốc thẳng ra biển. Con đường này cực kỳ dốc tại đường vòng trên đỉnh đồi và khi máy bay dời đi, nó sẽ bay ngay trên đầu của những người đi tắm nắng (mặc dù có những tấm biển cảnh báo họ nằm ở cuối đường băng).
5. Sân bay quốc tế Barra (Scotland)
Barra là sân bay duy nhất trên thế giới có máy bay hạ cánh trên bờ biển. nó nằm trên bãi biển Traigh Mhor, thuộc đảo Barra ở Scotland.
Sân bay này gần như bị thuỷ triều cuốn trôi mỗi ngày một lần và nếu chuyến bay của bạn đến vào một buổi chiều muộn, bạn sẽ thấy có vài chiếc ô tô ở chỗ đỗ xe chiếu đèn vào đường bay để giúp phi công có thể nhìn thấy rõ hơn vì sân bay này dùng ánh sáng thiên nhiên.
6. Sân bay Madeira (đảo Madeira, Bồ đào nha)
Cũng được biết tới với tên gọi Funchal và Santa Catarina, Madeira là một sân bay quốc tế gần Funchal, đảo Madeira.
Đường băng ngắn của Madeira được bao quanh bởi núi cao và đại dương, khiến nó dễ dàng trở thành cái bẫy cho tất cả các phi công kể cả khi đó là người có dày dạn kinh nghiệm nhất.
7. Sân bay Lukla (Nepal)
Đường băng của Lukla có một ngọn núi khổng lồ ở một đầu, đầu còn lại là dốc đứng cao hàng nghìn mét. Chắc chẳng cần tưởng tượng nhiều, ai cũng biết hậu quả sẽ như thế nào nếu máy bay rơi xuống dốc đứng.
Tháng 1/2008, chính phủ Nepal thông báo sân bay sẽ được đặt lại tên để tưởng nhớ ngài Edmund Hillary, người đầu tiên trèo lên đỉnh núi Everest, đã qua đời vào 11/1/2008.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí
Ảnh: Internet