Top

“Nghệ thuật mới” trong không gian cũ

Cập nhật 11/02/2014 15:28

Mảng trang trí vòm trần bằng mảnh ghép theo phong cách Mosaic ở Blackfriar

Không gian ấy đã hơn 100 năm tồn tại, toạ lạc ở số 174 đường Queen Victoria, London, nay trở thành một quán bia có tên trong danh sách những kiến trúc bar cổ đẹp nhất ở London. Đây là điểm đến thú vị để chiêm ngưỡng phong cách kiến trúc “nghệ thuật mới” Art Nouveau – một phong cách đối nghịch với trường phái hàn lâm ở thế kỷ 19.

Ra khỏi ga tàu Blackfriar, ngôi nhà ba tầng ở số 174 với vẻ ngoài chẳng có gì đặc biệt đến nỗi gây ấn tượng, ngoài kiến trúc hình dẹp ngay góc đường và bức tượng vị tu sĩ dòng Đa Minh (Dominico) mặc áo chùng thâm đứng biểu hiện thái độ khiêm cung ngay trên số nhà được thể hiện bằng nghệ thuật ghép mảnh lên tường theo phong cách Mosaic. Các mảng bancông bao quanh tầng được trang trí với những hàng rào làm bằng sắt mỹ nghệ uốn, nét quen thuộc trong lối trang trí các bancông ở đầu thế kỷ 20, giống với rất nhiều những toà nhà khác được xây dựng dưới thời Victoria, Anh Quốc.

Được cho rằng xây nên vào khoảng năm 1875 trong khuôn viên của một tu viện Đa Minh có từ 1279 – 1539, toà nhà này sau đó đã qua rất nhiều lần tôn tạo, chỉnh sửa và tu bổ ở các thời điểm 1903, 1905, 1914, 1925, và nay trở thành một quán bia độc đáo ở London không chỉ bởi câu chuyện hình thành nên ngôi nhà này, mà điểm nổi bật chính là lối thiết kế kiến trúc, cùng những mảng trang trí nội thất là sự phối hợp hoàn hảo nhiều phong cách nghệ thuật, tạo hình, cách tân… tôn lên tối đa vẻ đẹp của các giá trị nghệ thuật thủ công và kiến trúc ở thế kỷ 19.

Blackfriar – (thầy tu màu đen) tên gọi toà nhà, gợi cho người ta có hình dung về nơi chốn của các tu sĩ hơn là không gian một quán bia. Ngoại thất của Blackfriar không mấy làm nổi bật và thật khó để khách bộ hành có thể hình dung những gì độc đáo và hấp dẫn hơn đang ẩn chứa ở phần nội thất, nơi mà phong cách “nghệ thuật mới” được biểu lộ rõ nét bằng ngôn ngữ thiết kế và trang trí. Trong tổng số 7.000 quán bia tại London, lối trang trí phổ biến ở các quán dễ khiến người ta nhắm mắt cũng đủ hình dung ngay về một nơi rộn ràng bia bọt. Riêng ở Blackfriar, dù đã yên vị trên ghế ngồi, gọi một ly bia, nhưng khi nhìn vào tổng thể nội thất, gợi cho người ta đang ở trong một kiến trúc thánh đường công giáo hoặc một nhà nguyện nào đó chứ hoàn toàn không phải đang ở trong không gian bia bọt.

Các cửa vòm kết nối không gian, hình tượng tu sĩ gánh đèn treo, các mảng điêu khắc đời sống tu sĩ thường nhật giống như không gian một nhà nguyện hơn là quán bia.

Sự đánh lừa cảm xúc tài tình ấy được những tên tuổi nổi tiếng của làng kiến trúc, điêu khắc và thiết kế ở thế kỷ 19 ở London tạo nên, ấy là Nathaniel Hitch người thực hiện các công đoạn xây dựng, cùng với việc sử dụng chất liệu đá, gỗ để trang trí nội ngoại thất, Frederick Callcott tạo ra các bức phù điêu thể hiện lại cuộc sống thường nhật của các tu sĩ Đa Minh bằng chất liệu đồng. Các bức phù điêu này được làm ra trước 1925 bởi đó cũng là năm mất của nhà điêu khắc tài ba Callcott. Các mảng trang trí khác trong nội thất được Henry Poole đảm trách. Tất cả các mảng miếng ấy kết hợp lại, để hình thành một không gian Blackfriar đậm chất “nghệ thuật mới”, từng một thời đình đám, nổi tiếng ở London và lan rộng ra cả châu Âu.

Blackfriar cũng nổi tiếng với dòng bia Cask Ale (một loại bia tươi được cho lên men theo kiểu truyền thống), nhưng lý do khiến dân kiến trúc, du khách, và cả những người đam mê tìm hiểu về văn hoá, lịch sử khi đến du ngoạn London thường tìm tới, chính là không gian nội thất của Blackfriar.

Ở đây, mỗi mảng tường là một câu chuyện thú vị về đời sống thường nhật của các tu sĩ trong chiếc áo chùng thâm quen thuộc. Đó là giờ phút chơi nhạc cụ của mảng điêu khắc phía trên lò sưởi, đến buổi thu hoạch nho, táo trong vườn tu viện trong bức điêu khắc có tên hẳn hoi là “Chiều thứ bảy”, đến cảnh luộc trứng, làm cá, làm lươn, chuẩn bị cho bữa ăn thường ngày. Tất cả các mảng màu khác biệt, lô xô, đan xen, phối ngẫu với nhau, từ nền trắng ngả kem cũ kỹ của lớp đá cẩm thạch đã hơn 100 năm tuổi, màu đồng đỏ của các mảng điêu khắc, hoà cùng sự mốc thếch với gam màu trầm của bàn ghế, lớp thảm lót sàn nhà, cùng chi tiết của các mảng ghép trang trí theo lối mosaic đã tạo nên một tổng thể không gian khác biệt và độc đáo ở Blackfriar.

Tách biệt với khu vực quầy bar và lò sưởi là ba cửa vòm dẫn vào một không gian nhỏ gọn khác rất giống với kiến trúc nhà nguyện, có vòm cong ở phần trần nhà, không gian này được thêm vào ở thời điểm khoảng chiến tranh thế giới thứ nhất. Ở đây, nghệ thuật mảnh ghép được tận dụng tối đa trong trang trí vòm trần, ngoài đường nét hình hoạ là các câu châm ngôn vui vui kiểu như “lộng lẫy là dại dột” (finery is foolery), “nhanh là chậm” (haste is slow), ngay cả các chi tiết đèn treo trang trí cũng là sự biến tấu thú vị thông qua hình ảnh các thầy tu gánh đèn trên vai.

Dù đã rất cũ so với tuổi, nhưng Blackfriar vẫn mãi được gọi là không gian của “nghệ thuật mới” nơi vẻ đẹp kiến trúc và nghệ thuật trang trí thủ công thăng hoa.


Ảnh trên và dưới: Sự kết hợp các chất liệu trong trang trí nội thất của Blackfriar từ đá, gỗ, đồng, thuỷ tinh màu... mang phong cách “nghệ thuật mới” khiến cho Blakfriar trở thành một không gian kiến trúc độc đáo mang vẻ đẹp vượt thời gian.



Ảnh trên và dưới: Các chi tiết trang trí và không gian ngoại thất mang phong cách “nghệ thuật mới” của toà nhà Blackfriar, 174 đường Queen Victoria, London.



 DiaOcOnline.vn - Theo SGTT