Top

Có được xây dựng nhà ở hay không?

Cập nhật 25/10/2007 09:10

Hỏi:

Tôi và gia đình đã sinh sống, ăn ở trên một diện tích đất ở hơn 100 m2 của bố mẹ để lại từ những năm 1970 tại một xã nay chuyển lên phường ở quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Vì nhà ở là nhà cấp 4, đã xuống cấp nghiêm trọng nên gia đình tôi đã 3 năm nay nhiều lần làm đơn xin cấp giấy phép xây dựng để cải tạo căn hộ hơn 30 m2 nằm trong diện tích đất trên. Nhưng chính quyền phường sở tại không xác nhận để cơ quan có trách nhiệm cấp phép xây dựng cho gia đình tôi làm nhà với lý do là: Đất nhà tôi đã nằm trong quy hoạch của TP đã được phê duyệt và công bố của TP nhưng chưa thực hiện. Vậy theo Luật Xây dựng năm 2003 có đúng không? Gia đình tôi có được xây dựng nhà ở lâu dài trên mảnh đất trên không?

Trả lời:

- Trước thời điểm Luật Xây dựng có hiệu lực thì việc giải thích và trả lời của chính quyền địa phương đối với trường hợp xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở của ông Buồn là đúng theo luật định. Nhưng khi Luật Xây dựng đã có hiệu lực thi hành kể từ 1/4/2004 và theo hướng dẫn tại Nghị định số 16/2005/NĐ - CP ngày 7/2/2005 của Chính phủ đã ban hành về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, tại Điều 17 mục 2 khoản 2 đã quy định, rất rõ: “Việc xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong vùng đã công bố quy hoạch xây dựng được duyệt nhưng chưa thực hiện thì chỉ được cấp phép xây dựng tạm thời có thời hạn theo thời hạn thực hiện quy hoạch”.

Vậy trường hợp xin cấp phép xây dựng của gia đình ông Buồn nêu ra thì gia đình ông được cấp phép xây dựng nhưng chỉ là giấy phép tạm thời có thời hạn theo thời hạn thực hiện quy hoạch của TP Hà Nội đã phê duyệt. Hơn nữa theo Thông tư mới nhất số 09/2005/TT - BXD ngày 6/5/2005 của Bộ Xây dựng đã có hiệu lực thi hành, hướng dẫn một số nội dung về giấy phép xây dựng đã quy định tại khoản 2 mục 1 về giấy phép xây dựng công trình đã quy định:

- Việc cấp giấy phép xây dựng tạm chỉ áp dụng đối với những vùng đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện. UBND cấp tỉnh quy định cụ thể thời gian thực hiện quy hoạch xây dựng, quy mô công trình được phép xây dựng tạm cho phù hợp, tránh lãng phí nhưng phải bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường để làm cơ sở cho việc cấp phép xây dựng tạm và xác định thời gian có hiệu lực của giấy phép xây dựng tạm (tuỳ thuộc vào tình hình, đặc điểm của mỗi địa phương, mỗi khu vực).

- Trong nội dung cấp phép xây dựng tạm phải xây ghi rõ thời gian có hiệu lực của giấy phép. Hết thời gian có hiệu lực của giấy phép, nếu Nhà nước giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch thì chủ công trình xây dựng phải tự phá dỡ và được đền bù phần hiện trạng công trình đã có trước khi xây dựng theo giấy phép xây dựng tạm, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chủ công trình phải chịu mọi chi phí cho việc cưỡng chế.

Bạn đọc có những thắc mắc cần được hỗ trợ, tư vấn trong lĩnh vực nhà đất. Vui lòng gửi thư về địa chỉ Email: cafeluat@cenodi.vn

Xin chân thành cảm ơn!


Theo website tư vấn luật