Chỉ mới vài ngày chính thức đi vào cuộc sống, còn quá sớm để có thể đánh giá về mức độ tác động của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đến thị trường BĐS cũng như việc hỗ trợ người dân vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, có thể thấy rằng gói tín dụng này không hẳn là “màu hồng”.
Thấp thỏm đi vay
Có thu nhập 8 triệu đồng/tháng, chuẩn bị mua nhà đúng “chuẩn” được vay có diện tích gần 60m2, giá bán hơn 14 triệu đồng/m2 ở khu đô thị Kim Văn- Kim Lũ, chị Minh Hải, nhân viên công ty truyền thông ở quận Đống Đa, Hà Nội đến BIDV để tìm hiểu về gói vay hỗ trợ lãi suất.
Tuy nhiên, sau 1 giờ được tư vấn, chị Hải vẫn không hết băn khoăn. Theo chị Hải, với mức thu nhập và nhà ở chị dự kiến mua, ngân hàng đã đồng ý chấp thuận hồ sơ, tuy nhiên khả năng vay được vẫn mơ hồ, chưa kể điều kiện để được vay còn ngặt nghèo hơn.
“Ngân hàng đòi hỏi các thành viên trong hộ gia đình theo hộ khẩu phải cam kết chưa được vay vốn hỗ trợ tại ngân hàng để mua, thuê mua nhà ở xã hội (NoXH), nhà ở thương mại nào, vì theo quy định mỗi hộ gia đình chỉ được vay hỗ trợ 1 lần. Tôi và chồng sắp kết hôn đều không có hộ khẩu Hà Nội, nghĩa là nếu vay theo thu nhập của tôi, các thành viên trong gia đình từ bố mẹ, em trai, chị gái đều phải cam kết chưa được vay vốn. Trong khi ai cũng có nhu cầu mua nhà. Thật là nan giải” - chị Hải nói.
Không chỉ vướng quy định này, khả năng vay được vẫn còn để ngỏ khiến chị Hải thấp thỏm. Bởi nếu ký hợp đồng mua nhà, đóng tiền đợt đầu rồi nhưng sau đó ngân hàng lại không cho vay nữa, không biết lấy tiền đâu để trả.
Chưa hết, BIDV cũng chú thích rõ với khách hàng lãi suất cho vay 6%/năm tạm thời chỉ áp dụng trong năm 2013, lãi suất các năm tiếp theo sẽ thực hiện trên cơ sở của NHNN từng thời kỳ.
Dù NHNN xác định và công bố mức lãi suất áp dụng cho các năm tiếp theo bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường, không vượt quá 6%/năm, nhưng chị Hải vẫn không thoát khỏi âu lo khi chính sách biến động. Chưa kể để vay được vốn, còn phải ký thỏa thuận 3 bên về hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay giữa khách hàng - chủ đầu tư - ngân hàng.
Độ trễ của chính sách?
Theo ghi nhận của ĐTTC trên địa bàn Hà Nội, trong 5 ngân hàng tham gia cho vay gói hỗ trợ (BIDV, Vietcombank, Agribank, VietinBank và MHB) mới có vài ngân hàng hướng dẫn thủ tục cho các chi nhánh và việc tiếp nhận hồ sơ cũng đang rất dè dặt.
BIDV triển khai nhanh nhất, không chỉ tuyên bố sớm về việc sẽ dành 10.000 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi, ngân hàng này đã công bố những điều cần biết khi vay vốn ưu đãi cho khách hàng, đồng thời tiếp nhận hồ sơ. Vietcombank cũng đã triển khai cho vay vốn đến các chi nhánh, nhưng theo nhân viên của một chi nhánh tại quận Cầu Giấy, việc tiếp nhận hồ sơ đang được tiến hành cẩn trọng bằng cách chỉ phổ biến các quy định chung rồi lấy số điện thoại của khách hàng để liên lạc sau.
Còn nhân viên tín dụng tại chi nhánh Agribank quận Thanh Xuân cho biết đến nay vẫn chưa có hướng dẫn từ hội sở. Nhân viên này cũng cho biết có thể sẽ khó vay vì đối với các gói vay mua nhà thông thường, không hỗ trợ lãi suất, ngân hàng cũng chỉ chấp nhận cho vay ngắn hạn, hạn chế vay trung và dài hạn.
Đối tượng, thời gian và hạn mức cho vay tại mỗi ngân hàng cũng khác nhau. BIDV cho vay cả những đối tượng hưởng lương ngoài ngân sách, trong khi Vietcombank chỉ cho vay đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước. BIDV và Vietcombank cho vay tối đa 15 năm, còn MHB chỉ 10 năm. Hạn mức cho vay tối đa của BIDV và Vietcombank 80% giá trị BĐS, còn MHB là 90%. Tuy nhiên, thời gian và hạn mức vay sẽ phụ thuộc vào thu nhập của người vay.
Một khu nhà dành cho người thu nhập thấp tại TPHCM. Ảnh: LONG THANH
|