2020 sẽ là thời điểm các tổ chức tín dụng khép lại lộ trình tái cơ cấu giai đoạn 2 từ 2016 - 2020, đồng thời cũng đến hạn đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. Các tổ chức tín dụng đã, đang nỗ lực chạy cán đích.
Phân hóa với diện mạo tươi sáng
Báo cáo kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết về một trong những nhiệm vụ trọng tâm của 2019 là công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng tiếp tục được đẩy mạnh.
Theo báo cáo, kết quả cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã tạo sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng được giữ vững, thể hiện ở các mặt như: Năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm;
Quy mô hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng; Năng lực quản trị điều hành, hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế, sự minh bạch trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được nâng cao một bước...
Đáng chú ý, nợ xấu đã có những kết quả xử lý tốt, giúp hệ thống ngân hàng nhẹ gánh, đạt chất lượng tài sản tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn, khiến toàn bộ hệ thống được phủ diện mạo khởi sắc. Sự phân hóa cũng rõ dần.
Hiện Vietcombank đang dẫn dầu trong hệ thống. Kế đó là sự nổi trội của top các ngân hàng TMCP tư nhân, có lợi nhuận và tăng trưởng cao như Techcombank, MBBank, ACB, HDBank hay chiến lược kinh doanh bứt phá như HDBank.
Những ngân hàng “chiếu dưới” đang tạm trú trên thị trường UPCoM hoặc đang còn trên OTC, chưa niêm yết vì vậy càng cần tiếp tục có những cú hích thay đổi mạnh mẽ hoặc tái cơ cấu với nguồn lực để được “nâng hạng” trên dòng chảy phân hóa của các tổ chức tín dụng.
Vẫn cần nhiều hơn những động lực từ tái cơ cấu
Mặc dù đã đạt được diện mạo tươi mạo tươi sáng và thành quả đáng ghi nhận, nhưng hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam trước thềm 2020 vẫn còn những “điểm xám” đang cần được hòa sắc.
Thứ nhất, đó là các Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên mà NHNN mua 0 đồng đang rót vốn tái cơ cấu.
Thứ hai, những tổ chức tín dụng trong diện kiểm soát đặc biệt đã có thời gian tái cơ cấu khá lâu nhưng chưa hiệu quả, cần có sự thay đổi và một cú hích mạnh mẽ để gia tăng nguồn lực và góp phần đẩy nhanh quá trình lột xác, sớm trở lại vận hành hiệu quả, có lợi cho thị trường cũng như góp phần an toàn, ổn định cho toàn hệ thống.
Như tình huống DongA Bank với những lợi thế về công nghệ, kiều hối, con người…, đang rất cần được sự nối dài của những cánh tay quản trị tài chính có kinh nghiệm về ngân hàng nhằm xốc lại tổ chức và phát huy nền tảng từng có.
Thứ ba, trước những điểm hẹn có nguy cơ bị trễ của các tổ chức tín dụng còn lại trên thị trường (chuẩn Basel II, niêm yết…), tổ chức nào còn đi chậm cần có ý thức phải vừa guồng chân vừa có kế hoạch giữ sức bền, tăng tốc tới vạch đích.
Đã đến lúc việc cải tổ hệ thống ngân hàng Việt Nam, thu hẹp khoảng cách với bên ngoài và để là một hệ thống thực sự mạnh, hội nhập ngang ngửa trên thị trường toàn cầu không thể chỉ mãi nhìn vào nhóm, đi đầu, năng lực đã được khẳng định.
Cần áp dụng mạnh hơn nữa cả mua bán, sáp nhập bắt buộc đối với những trường hợp cần thiết, hay có những biện pháp quyết liệt để tất cả các tổ chức tín dụng cùng thay đổi, cùng bước qua 2020 với kế hoạch cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 của chặn đường tái cơ cấu.
DiaOcOnline.vn – Theo ĐTCK