Top

Sửa Luật Chứng khoán: Hàng trăm doanh nghiệp trước nguy cơ huỷ tư cách đại chúng

Cập nhật 19/12/2018 09:16

Hiện tại, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), trong đó có nhiều thay đổi lớn, nếu được áp dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, ngân hàng, các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán và công ty kiểm toán.


Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý gửi Bộ Tài chính về Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi). Cụ thể, VCCI đã có nhiều góp ý về vấn đề điều kiện về vốn đối với chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện có lãi đối với trường hợp chào bán thêm ra công chúng.

Cẩn trọng với quy định có tính hồi tố

VCCI khẳng định việc nâng các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng (Điều 12) nhằm bảo đảm năng lực tài chính của công ty đại chúng là phù hợp với định hướng phát triển thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, Điều 135.4 của dự thảo đưa ra quy định chuyển tiếp yêu cầu các doanh nghiệp đã niêm yết phải đáp ứng điều kiện về vốn và cơ cấu cổ đông trong vòng 2 năm kể từ khi Luật này có hiệu lực. Nếu sau 2 năm mà không đáp ứng thì doanh nghiệp sẽ bị huỷ tư cách công ty đại chúng theo Điều 37 của Dự thảo.

"Theo thuyết minh của cơ quan soạn thảo, hiện tại có 1.954 công ty đại chúng, và có 18,4% (tương ứng 360) công ty đại chúng không đáp ứng được điều kiện về vốn điều lệ. Các doanh nghiệp này sẽ có 2 năm để tăng vốn lên 30 tỷ đồng hoặc sẽ phải bị huỷ tư cách công ty đại chúng. Chính sách này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các cổ đông đang nắm giữ chứng khoán của các doanh nghiệp này. Trong khi bản thân những doanh nghiệp này không hề có hành vi vi phạm pháp luật, không gây tác động xấu đến thị trường", VCCI cho hay.

Do đó, cơ quan này đề nghị Ban soạn thảo phải hết sức cân nhắc về việc áp dụng quy định mang tính hồi tố như vậy.

VCCI khuyến nghị, quy định mới về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng chỉ nên áp dụng cho những doanh nghiệp niêm yết sau khi luật này có hiệu lực, không nên áp dụng đối với những doanh nghiệp đã niêm yết.

Về điều kiện có lãi đối với trường hợp chào bán thêm chứng khoán ra công chúng, Dự thảo đã nâng điều kiện có lãi từ 1 năm lên 2 năm đối với các công ty đại chúng muốn chào bán thêm chứng khoán ra công chúng.

Bản thuyết minh giải thích lý do của việc này là nhằm chống lại tình trạng một số doanh nghiệp sử dụng thủ thuật về kế toán để có lãi trong 1 năm nhưng nhiều năm khác lại lỗ, để có thể chào bán thêm chứng khoán.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng, việc sử dụng thủ thuật kế toán để có lãi phải được xem là một hành vi gian lận về việc cung cấp thông tin ra công chúng và cần phải được xử lý vi phạm, chứ không nên quy định về thời gian có lãi. Theo đó, việc thay đổi thời gian có lãi không giải quyết được vấn đề khi doanh nghiệp tiếp tục sử dụng thủ thuật kế toán để có lãi trong 2 năm.

Đối với những doanh nghiệp đã chào bán chứng khoán ra công chúng thì các thông tin về doanh nghiệp đã được công khai trước các nhà đầu tư một thời gian tương đối dài. Các nhà đầu tư hoàn toàn có thể theo dõi lại lịch sử công bố thông tin để đánh giá về mức độ rủi ro, vì vậy, Nhà nước có thể giảm các điều kiện chào bán thêm, thấp hơn so với chào bán lần đầu.

Về điều kiện, trách nhiệm hình sự đối với chào bán chứng khoán ra công chúng. Điều 12.1.e của dự thảo quy định một trong những điều kiện để chào bán cổ phiếu ra công chúng là "Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chưa được xoá án tích".

Theo VCCI, quy định này phù hợp với việc bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, việc cấm chào bán chứng khoán đối với toàn bộ các pháp nhân thương mại đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án tích là không cần thiết. Một số tội danh trong Bộ luật Hình sự không liên quan đến tài chính như tội gây ô nhiễm môi trường, tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã… thì không cần thiết phải cấm phát hành chứng khoán.

Băn khoăn chuyện con dâu, bố chồng có phải "người có liên quan"

Đặc biệt, Điều 4.39.a của dự thảo đã mở rộng khái niệm người có liên quan, ngoài "cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh ruột, em ruột, chị ruột" như quy định của Luật Chứng khoán 2006 thì bổ sung thêm "con dâu, con rể, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu".

Tuy nhiên, theo VCCI, dự thảo bổ sung "con dâu" nhưng lại không bổ sung "bố chồng, mẹ chồng". Như vậy sẽ dẫn đến con dâu là người có liên quan của bố chồng, nhưng bố chồng lại không phải là người có liên quan của con dâu. Tương tự với quan hệ con rể - bố vợ, mẹ vợ; anh rể - em vợ; em rể - anh vợ, chị vợ; chị dâu - em chồng; em dâu - anh chồng, chị chồng.

Dự thảo cũng mở rộng đến các quan hệ dâu, rể, nhưng lại không quy định về các quan hệ ông, bà - cháu ruột; cô, dì, chú, bác - cháu ruột. Đây được coi là những mối quan hệ huyết thống, vốn được coi là thân thiết hơn so với các quan hệ dâu, rể.

VCCI khẳng định: "Việc mở rộng phạm vi người có liên quan được suy đoán là để phù hợp với thực tiễn xã hội Việt Nam, nơi mà các quan hệ gia đình, quan hệ họ hàng có ảnh hưởng lớn đến các hành vi kinh tế của cá nhân trên thị trường. Tuy nhiên, việc mở rộng này cũng cần cân nhắc đến gánh nặng chi phí tuân thủ của các cá nhân tham gia thị trường".

Ngoài ra, Điều 85 của Dự thảo quy định theo hướng công ty chứng khoán phải xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước khi thực hiện một số hoạt động nhưng lại không có tiêu chí về điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị này. Quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho quá trình áp dụng, tạo cơ chế xin cho không cần thiết.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng nêu rõ điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục để doanh nghiệp xin phép thực hiện các dịch vụ tại điều 85.1.c; liệt kê rõ các hoạt động mà công ty chứng khoán được và không được thực hiện theo điều 85.5.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy