NHNN sẽ cấp hạn ngạch bán vàng trong nước, quản lý linh hoạt mua bán vàng tài khoản, chuyển đổi có điều kiện tối đa 30% vàng huy động thành tiền...
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang chuẩn bị một loạt các động thái mới, kể cả sửa đổi một số văn bản pháp quy, nhằm dập tắt có hệ thống các “cơn sốt” vàng, kiểm soát thị trường, đưa giá vàng trong nước về ngang bằng với giá thế giới.
Sẽ cấp hạn ngạch bán vàng trong nước
Hàng trăm ngàn lượng vàng có thể sẽ được cơ quan quản lý cho phép các ngân hàng bán ra thị trường từ nguồn vàng huy động thông qua hình thức cấp hạn ngạch (quota). Đây là con số mà NHNN dự kiến sau khi làm việc với những tổ chức tín dụng có số dư huy động vàng lớn nhất hệ thống.
Lượng vàng mà mỗi ngân hàng được phép bán ra thị trường được ấn định cụ thể trong hạn ngạch. Kèm theo hạn ngạch bán vàng là giấy phép đặc biệt cho phép các tổ chức tín dụng được mở tài khoản vàng ở nước ngoài để bảo hiểm rủi ro với quy mô mua/bán tương đương số vàng bán/mua tại thị trường nội địa.
Những ngân hàng nào sẽ được phép bán vàng? Theo nguồn tin đáng tin cậy, năm ngân hàng đã được chọn. Ngoài số dư huy động vàng lớn, năm tổ chức tín dụng này còn phải đảm bảo một số tiêu chí khác, trước hết là đáp ứng các điều kiện về chỉ số an toàn trong hoạt động.
Quản lý linh hoạt mua bán vàng tài khoản
Về mặt kỹ thuật, những ngân hàng mở trạng thái bán vàng trong nước, phải cân bằng trạng thái bằng cách mua vàng tài khoản ở nước ngoài trong vòng 24 giờ. NHNN sẽ có tổ chuyên trách giám sát liên tục hàng ngày tài khoản vàng ở nước ngoài cũng như cập nhật lượng vàng bán ra trong nước của từng ngân hàng.
Việc đặt ra thời hạn 24 giờ, rõ ràng, là nhằm chống rủi ro biến động của giá vàng quốc tế một cách tối đa. Các ngân hàng, như vậy, sẽ chỉ là người môi giới và được hưởng một mức phí nhất định. Người mua vàng trong nước mới là người gánh chịu rủi ro giá vàng. Họ có thể có lời nếu giá vàng quốc tế lên và lỗ nếu giá quốc tế xuống.
Từ đây, câu chuyện không phải là thiếu nguồn cung nữa. Nếu anh muốn mua vàng, các ngân hàng sẽ bán cho anh. Lời ăn lỗ chịu, anh chịu trách nhiệm về hành động của mình. Sẽ không còn động thái “bảo hiểm” giá vàng nội địa theo dạng đầu cơ: tình trạng giá quốc tế lên, giá vàng trong nước lập tức nhảy lên theo; giá quốc tế hạ, giá trong nước giảm từ từ hoặc được neo.
NHNN ấn định mức chênh lệch của giá vàng trong - ngoài nước là 400.000 đồng/lượng quy đổi theo tỷ giá chính thức (hiện nay là 20.834 đồng/đô la Mỹ). Mức này để bù đắp các chi phí, kể cả giá thành gia công vàng miếng, phí giao dịch ngoại tệ để nhập khẩu vàng trong trường hợp cần thiết. Khi thị trường ổn định, tức chênh lệch giá dao động xung quanh mức trên, các ngân hàng sẽ đóng trạng thái vàng nước ngoài.
Việc mở - đóng trạng thái có thể linh hoạt theo cung cầu thị trường và được giải quyết rất nhanh. Nếu xảy ra trường hợp hết vàng do nhu cầu đột biến chẳng hạn, NHNN chủ động cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng với số lượng đủ mức cần thiết. Con số mà các ngân hàng ước tính chừng 10 tấn.
Một khi nhập vàng, nguồn tin của chúng tôi cho biết, các ngân hàng phải tự lo ngoại tệ. Tuy nhiên cơ quan quản lý có thể xem xét hỗ trợ một phần nhu cầu ngoại tệ. Về phía mình, các tổ chức tín dụng phải cam kết bán vàng ra ngay khi chênh lệch giá nội - ngoại vượt quá 400.000 đồng/lượng. Những ngân hàng đã cam kết mà không bán ra, hoặc bán cầm chừng, hoặc chỉ bán một phần số lượng đã được cấp, sẽ bị rút giấy phép ngay lập tức.
Chuyển đổi có điều kiện tối đa 30% vàng huy động thành tiền
Để thực thi việc bán vàng, cần phải sửa đổi một số quy định hiện hành. NHNN đã hoàn tất dự thảo thông tư mới sửa đổi một số điều của Thông tư 11/2011 ngày 29-4-2011 quy định về việc chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng. Khoản 2 điều 1 của dự thảo nêu rõ: “Tùy theo tình hình biến động thị trường, NHNN cho phép tổ chức tín dụng được chuyển đổi tối đa 30% số dư tồn quy vàng huy động thành tiền trong thời hạn nhất định”.
Dự thảo liệt kê các tiêu chí để được chuyển đổi: ngân hàng có kinh nghiệm xuất nhập khẩu, kinh doanh, huy động, cho vay vàng từ năm năm trở lên; có hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, có quy chế quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng; có hệ thống mạng lưới phân phối rộng rãi; không vi phạm các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Trong các tiêu chí này, tiêu chí sau cùng nặng nhất vì việc vi phạm nếu xem xét kỹ mức độ thì sẽ có ngân hàng bị loại.
Trong hồ sơ chuyển đổi vàng huy động và mở tài khoản ở nước ngoài, ngoài việc báo cáo số liệu huy động, cho vay, xuất, nhập khẩu, lời lỗ kinh doanh vàng trong vòng sáu tháng gần nhất, các ngân hàng phải trình đề án chuyển đổi và mở tài khoản bảo hiểm rủi ro. Đề án, theo nhận xét của giới tài chính, sẽ gắn trách nhiệm của từng ngân hàng với những ràng buộc cụ thể.
Dự thảo, theo thông tin mới nhất, sau khi có ý kiến của Chính phủ và các bộ, ngành, sẽ được ban hành trong tuần tới. Việc ra đời và thực hiện nó có khả năng là một bước ngoặt trong điều hành, quản lý vàng. Chiến dịch vàng, nếu có thể gọi như thế, sắp mở màn!
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG