Ngân hàng Nhà nước tiếp tục siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của các ngân hàng. Và điều này được cho sẽ tác động nhiều nhất tới dòng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản.
NHNN vừa ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 01/01/2020.
Theo định hướng từ đầu năm nay, NHNN đã thực hiện việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn của các ngân hàng theo lộ trình kéo dài đến năm 2022. Cụ thể, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn từ 01/01/2020 - 30/9/2020 là 40%; từ 01/10/2020 - 30/9/2021 là 37%; từ 01/10/2021 - 30/9/2022 là 34%; từ 01/10/2022 là 30%.
BVSC cho rằng, qua thông tư trên có thể thấy định hướng chung của NHNN vẫn là hạn chế cho vay các lĩnh vực rủi ro, nâng cao an toàn chung của hệ thống chứ không vì xu hướng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế mà phát triển ồ ạt cho tất cả các lĩnh vực.
Trên thực tế, việc siết vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn có lẽ sẽ tác động nhiều nhất tới các doanh nghiệp bất động sản do đặc thù các dự án của lĩnh vực này chủ yếu là dài hạn. So với các lĩnh vực rủi ro khác, tín dụng bất động sản cũng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng dư nợ của nền kinh tế.
Trong 2 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước luôn muốn hạn chế tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao, trong đó có lĩnh vực bất động sản và nhiều lần có văn bản đề nghị các ngân hàng thương mại cẩn trọng.
Bên cạnh động thái tăng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, NHNN cũng đã tăng tỷ lệ hệ số rủi ro đối với kinh doanh bất động sản lên 200%; các khoản phải đòi khác như đối với cá nhân phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại các hợp đồng tín dụng của khách hàng đó từ 4 tỷ đồng trở lên (sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đó đã áp dụng hệ số rủi ro 50%) sẽ bị áp hệ số rủi ro 120% từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2020 và sau đó sẽ nâng lên 150% kể từ ngày 1/1/2021.
Mặc dù các ngân hàng siết cho vay bất động sản, tín dụng chảy vào lĩnh vực này vẫn tăng khá nhanh trong 8 tháng đầu năm 2019. Số liệu từ NHNN cho biết, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 14,58% so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế; khá cao so với các lĩnh vực khác như đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Theo giải thích của cơ quan chức năng, sở dĩ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS tăng khá cao như vậy là vì đã tính cả tín dụng cho mục đích kinh doanh và cả mục đích tự sử dụng.
DiaOcOnline.vn – Theo Tri thức trẻ