Top

HDBank và DaiABank chính thức sáp nhập

Cập nhật 16/06/2013 07:43

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) ngân hàng DaiA Bank ngày 15/6/2013, phương án sáp nhập với HDBank, với tỷ lệ cổ phiếu chuyển đổi 1:1 đã chính thức được thông qua.

Mặc dù theo kế hoạch ban đầu ĐHĐCĐ DaiABank chỉ diễn ra trong buổi sáng ngày 15/6/2013, song do vấn đề sáp nhập vào HDBank đã được các cổ đông DaiABank tranh luận và kéo dài đến tận 16h cùng ngày mới được các cổ đông thông qua. ĐHĐCĐ DaiABank thông qua phương án sáp nhập với HDBank, với tỷ lệ cổ phiếu chuyển đổi 1:1.

Các tờ trình đưa ra tại ĐHCĐ lần này của DaiABank cũng đã được Đại hội đồng cổ đông biểu quyết thông qua 100%.

Vì nhu cầu thoái vốn của cổ đông lớn là ACB tại DaiABank và nhu cầu tái cơ cấu ngân hàng, với sự tham gia sâu của các cổ đông chiến lược mới vào đề án tái cơ cấu, nên ngày 28/3/2013, ông Từ Tiến Phát - thành viên HĐQT và ngày 2/4/2013, ông Đặng Anh Mai đã có đơn xin từ nhiệm.
 
Trước đó, ngày 18/3/2013, ông Nguyễn Văn Hòa, thành viên Ban kiểm soát cũng có đơn từ nhiệm với lý do bận công việc. Ông Hòa cũng là người của ACB trước khi công tác tại DaiABank.

ĐHCĐ DaiABank ngày 15/6 cũng bầu bổ sung thêm 4 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2011 – 2015, gồm có ông Nguyễn Minh Đức, ông Chu Việt Cường, bà Nguyễn Thị Vân và ông Đinh Việt Phương.
 
DaiA Bank hiện có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, còn vốn điều lệ của HDBank là 5.000 tỷ đồng.Thông tin DaiABank sáp nhập vào HDBank đã được rò rỉ cách đây khoảng 1 năm, song lãnh đạo 2 ngân hàng này vẫn chờ đến kết quả cuối cùng mới công bố.

Như vậy, đây là thương vụ sáp nhập đáng kể thứ 4 của lĩnh vực ngân hàng, sau khi hợp nhất giữa SCB – Ficombank – TinNghiaBank; Habubank sáp nhập vào SHB; WesternBank sáp nhập PVFC.


Chuyện sáp nhập giữa hai ngân hàng làm nóng ĐHĐCĐ

Con số nợ xấu của DaiABank

Trước ĐHĐCĐ, báo cáo của HĐQT về hoạt động kinh doanh năm 2012 của Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) được ký hôm 31/5/2013 bởi chủ tịch Quách Văn Đức. Theo báo cáo, trong năm 2012, ngân hàng đạt tổng tài sản 17.910 tỷ đồng, bằng 81% so với năm 2011; Huy động vốn tăng trưởng 67%; dư nợ tín dụng tăng 31%; lợi nhuận trước thuế dạt 246 tỷ đồng; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 22,5%.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu được đề cập trong báo cáo lần này lên tới 5,28% trên tổng dư nợ (khoảng 483 tỷ), gấp 574% so với thực hiện năm 2011. Đáng chú ý bởi lẽ, trong báo cáo trình ĐHCĐ lần 1 ký ngày 24/4 cũng bởi ông chủ tịch HĐQT, con số nợ xấu được lãnh đạo nhà băng này đề cập là 4,4% (tức khoảng 403 tỷ).

Theo lý giải của HĐQT, chất lượng tín dụng năm qua giảm sút, tỷ lệ nợ quá hạn là 6,87%, tăng 4,21% trong khi tỷ lệ nợ xấu tăng tới 4,36% so với năm 2011 và cao hơn nhiều so với mục tiêu Nghị quyết ĐHCĐ 2012 đề ra. Có tới 49/62 điểm giao dịch của ngân hàng phát sinh nợ quá hạn trong năm qua, trong đó 33 đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2%, tập trung chủ yếu ở khu vực Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, khối khách hàng doanh nghiệp có quy mô tín dụng lớn.

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia