Giờ đây, các doanh nghiệp đều thấm thía rằng dù lãi suất huy động có hạ 1%, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay không được kéo thực giảm, thì chuyện giảm lãi suất nói chung cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Lần thứ năm kể từ tháng 11/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải yêu cầu thống đốc Ngân hàng nhà nước "giảm ngay lãi suất". Điều khác biệt cơ bản giữa lần yêu cầu này với những lần trước đây là đích thân thủ tướng đã chỉ đạo NHNN phải công bố hạ lãi suất ngay sau phiên họp thường kỳ chính phủ ngày 6/2/2012.
Một động thái rất đáng ghi nhận là trong phiên họp chính phủ cuối tháng 2/2012 vừa qua, bản thân Thủ tướng cũng đã trở nên sốt ruột khi lãi suất vẫn chưa thể hạ. Nếu có thể nhớ lại, vào đầu tháng 12/2011, Thủ tướng cũng đã từng yêu cầu NHNN giảm ngay lãi suất, nhưng lại giao cho cơ quan này được quyền quyết định về mức lãi suất và thời điểm kéo hạ. Cho đến cuối tháng 2/2012, mọi chuyện vẫn bình chân như vại.
Một quyết định được mong chờ quá lâu
Điều đã khiến Chính phủ sốt ruột lại đã biến thành hậu quả không tránh khỏi của rất nhiều doanh nghiệp. Vào hai tháng đầu năm 2012, tình trạng doanh nghiệp lâm vào vòng giải thể, phá sản tiếp tục dâng cao. Như mọi người đều thấy rõ và hoàn toàn có thể so sánh, thời gian đầu năm nay không khác mấy với đầu năm 2011, tức cũng tràn ngập khó khăn kinh tế, trong khi nạn lạm phát đang có nguy cơ tái hiện.
Cú tăng giá đột ngột 5% của Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào cuối tháng 12/2011 và đợt tăng giá xăng dầu 10% của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam vào đầu tháng 3/2012 quả thực đã làm tăng lo ngại về lạm phát. Dù cho đã có những trấn anh nhưng một thực tế không thể phủ nhận là rất nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm và nguyên vật liệu đã ngay lập tức ồn ào ăn theo giá điện và xăng dầu, tạo thêm một sức ép mới, nặng nề hơn hẳn, trên đầu người dân và các doanh nghiệp.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn không có nhiều thay đổi. Đã có việc giảm dần lãi suất cho vay ở một số ngân hàng trong thời gian qua nhưng thực chất chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ doanh nghiệp có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay giá ưu đãi.
Không có hoặc thiếu trầm trọng vốn để tái đầu tư và tái sản xuất, rất nhiều doanh nghiệp đang lâm vào bước đường cùng, bởi nếu kéo dài thêm một thời nữa thì điểm phá sản là rất... khả thi. Thế nhưng, bất chấp tiếng kêu than của doanh nghiệp và kiến nghị của rất nhiều chuyên gia, công luận, NHNN vẫn như không biết, không thấy về một sự thực đã trở nên hoàn toàn rõ ràng.
Câu hỏi vì sao lãi suất cho vay vẫn được duy trì trong thời gian qua, cũng đã không hề được NHNN giải thích. Trong phương án giảm lãi suất lần này, bản thân ban lãnh đạo NHNN đã chỉ đề cập đến việc giảm lãi suất huy động từ 14% về 13% mà không nói rõ về việc giảm lãi suất cho vay.
Vậy thì lúc nào mới giảm lãi suất cho vay? Phải chăng chờ đến lúc phần lớn doanh nghiệp khai tử, lúc đó NHNN mới "ra tay"? Những hứa hẹn của thống đốc NHNN trước Quốc hội về "giảm ngay lãi suất khi lạm phát giảm" vào tháng 11 năm ngoái đã hội tụ đủ các điều kiện, nhưng một khi cơ quan này lại nại ra một lý do khác, như một cái cớ, về sự thiếu hụt thanh khoản ngân hàng để chưa thể kéo giảm lãi suất, thì đúng là các doanh nghiệp chỉ còn nước... chào thua.
Kéo dài: Ai có lợi?
Hàng loạt câu hỏi lại tiếp nối phát sinh: vì sao suốt một thời gian dài NHNN đã không thể kéo giảm lãi suất? Liệu điều đó do tình thế khách quan hay còn lệ thuộc vào vấn đề nào khác? Và dư luận đã đặt câu hỏi, liệu điều này có liên quan gì đến các nhóm lợi ích mà người ta vẫn thường nhắc đến?
Gần một tuần sau khi có chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, NHNN đã ban hành quyết định giảm lãi suất huy động từ 14% xuống còn 13%, đồng thời giảm 1% các mức lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm. Tuy thế, đúng như "linh cảm" của khối doanh nghiệp sản xuất, quyết định này vẫn không hề châm chút tới bất kỳ động tác nào về hạ lãi suất cho vay.
Giờ đây, các doanh nghiệp đều thấm thía rằng dù lãi suất huy động có hạ 1%, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay không được kéo thực giảm, thì chuyện giảm lãi suất nói chung cũng chẳng có ý nghĩa gì. Có lẽ, đó cũng là một kẽ hở trong các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, khi đã chỉ đề cập đến việc hạ lãi suất mà không tách bạch rõ ràng đối với loại lãi suất nào - huy động hay cho vay.
Một tham khảo cũng cần lưu ý là thời gian đang tiến gần đến thời điểm cuối quý 1/2012, tức thời điểm mà nhiều doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, phải đáo hạn thanh toán cho ngân hàng tiền lãi vay và những khoản nợ ngắn hạn.
Hệ quả của việc không thể thanh toán (mà điều này đang trở nên rất phổ biến), là doanh nghiệp phải để mặc cho ngân hàng siết nợ, siết tài sản của họ. Trong số tài sản ấy, những dự án đất nền và căn hộ là tiêu điểm mà nhiều người luôn thèm khát.
DiaOcOnline.vn - Theo VEF