Thị trường hàng hóa trong và ngoài nước diễn biến phức tạp sẽ tác động nhất định đến doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ
Lãi suất cho vay vốn bằng ngoại tệ của các ngân hàng (NH) thấp hơn rất nhiều so với lãi suất cho vay bằng VNĐ nên đang hấp dẫn doanh nghiệp (DN). Thế nhưng, thị trường tiền tệ, hàng hóa còn ẩn chứa nhiều yếu tố khó lường, đòi hỏi DN phải tính toán kỹ lưỡng.
Cho vay cần đúng mục đích
Theo các NH, lãi suất cho vay bằng USD hiện phổ biến từ 6%-8%/năm, còn lãi suất cho vay bằng VNĐ đối với DN xuất nhập khẩu ở mức 18%/năm trở lên. Do chênh lệch lãi suất cho vay bằng USD và VNĐ lên tới 10%-12% nên DN tập trung vay ngoại tệ. Điểm khác biệt so với năm 2011 là đối tượng, điều kiện vay vốn bằng ngoại năm 2012 được siết chặt hơn.
DN phải chứng minh với NH khả năng trả nợ từ nguồn thu xuất khẩu hoặc hợp đồng mua ngoại tệ từ nhiều NH khác. Do đó, áp lực tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ sẽ không nóng như nhiều năm trước (tăng trưởng tín dụng ngoại tệ năm 2010: 48,4%, năm 2011: 18,7%), góp phần làm hạ áp lực lên tỉ giá hối đoái.
Điều khiến nhiều người quan ngại là DN vừa xuất khẩu đồng thời vừa nhập khẩu hàng hóa vay USD của NH rồi được phép bán lại số ngoại tệ đã vay để mua nguyên liệu sản xuất trong nước có thể làm cho thị trường ngoại tệ méo mó, ảnh hưởng không tốt đến tỉ giá khiến các DN khác không yên tâm khi vay vốn bằng USD. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng DN vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu đã có nguồn thu USD nên cung cầu USD vẫn cân bằng. Vấn đề đáng quan tâm là NH cần cho vay đúng đối tượng và DN sử dụng vốn đúng mục đích.
Thị trường biến động khó lường
Mặc dù thời điểm này nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ chưa cao nhưng cuối quý I hằng năm, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ sôi động. Để đáp ứng nhu cầu vay vốn, ngoài số ngoại tệ huy động trong nước, một số NH đã tăng thêm nguồn vốn qua việc vay tiền từ nước ngoài. NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam vay của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc 200 triệu USD; NH Kỹ thương Việt Nam cũng vay 20 triệu USD từ Công ty Tài chính Quốc tế (IFC - thành viên của nhóm NH Thế giới) nhằm tài trợ vốn cho các DN sản xuất và kinh doanh nông sản, DN vừa và nhỏ...
Tuy vậy, một số chuyên gia tài chính khuyến cáo: Thị trường hàng hóa trong và ngoài nước hiện đang diễn biến phức tạp, tác động nhất định đến hoạt động xuất nhập khẩu của các DN Việt Nam. Điển hình như thời gian gần đây, Ấn Độ, Pakistan xuất khẩu gạo với giá thấp hơn các quốc gia khác khoảng 100 USD/tấn, lập tức các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam đối mặt với khó khăn.
Tỉ giá biến động không quá 3%
Theo Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình, năm 2012, Chính phủ định hướng lạm phát sẽ ở mức 9% - 9,5%. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá nếu Việt Nam duy trì các giải pháp quyết liệt như trong năm 2011 thì lạm phát ở Việt Nam năm 2012 sẽ ở mức 8% - 8,5%, mặt bằng lãi suất đầu vào sẽ xuống còn khoảng 10%/năm.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết thêm: Trong trường hợp không có những đột biến từ bên ngoài và với việc triển khai quyết liệt các chính sách theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012 thì mức độ biến động của tỉ giá sẽ không quá 3%.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động