Kịch tính lại diễn ra tại Coteccons ngay trước phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên. Lần này cổ đông lớn Kusto muốn lãnh đạo Coteccons phải từ chức, trong đó có cả ông Nguyễn Bá Dương.
Mâu thuẫn nội bộ trở nên gay gắt, Kusto thậm chí muốn thực hiện kiểm toán đặc biệt với Coteccons
Cổ phiếu Coteccons giảm sàn
Cổ phiếu CTD của Coteccons trong ngày hôm qua (2/6) đã bị bán mạnh và giảm sàn, mất 5.400 đồng còn 71.900 đồng/cổ phiếu. Mã này được khớp lệnh 844 nghìn đơn vị nhưng đã hoàn toàn trắng bên mua vào cuối phiên, bên bán vẫn còn dư bán giá sàn.
Diễn biến bất lợi của CTD trong bối cảnh những mâu thuẫn nội bộ mang tính “drama” (kịch tính) tại Coteccons đang được đẩy lên cao và diễn ra ngay trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên 2020.
Trong ngày 2/6, trên website chính thức của Kustocem Pte. Ltd. - cổ đông lớn nước ngoài của Coteccons đã ra thông báo đã bắt đầu việc tổ chức họp Đại hội đồng quản trị bất thường để cổ đông Coteccons có thể biểu quyết về việc thay đổi Hội đồng quản trị hiện tại, bầu ra Hội đồng quản trị mới.
Thậm chí, Kustocem còn muốn thực hiện kiểm toán đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh của Coteccons liên quan tới các vấn đề về xung đột lợi ích, các giao dịch với các bên liên quan, đặc biệt là các giao dịch giữa Coteccons và các công ty còn lại trong Coteccons Group từ thời điểm năm 2017.
Với ngôn ngữ gay gắt trong bản thông cáo này, Kusto cho biết không thể tiếp tục đặt niềm tin vào HĐQT và Ban Giám đốc hiện tại, đặc biệt là các thành viên điều hành chủ chốt bao gồm ông Nguyễn Bá Dương (Chủ tịch và đại diện pháp luật của Coteccons), ông Nguyễn Sỹ Công (thành viên HĐQT và Tổng giám đốc Coteccons), và ông Trần Quang Quân (Phó Tổng Giám đốc).
“Chúng tôi yêu cầu họ ngay lập tức từ chức khỏi tất cả các vị trí trong Coteccons” - phía Kusto cho hay.
Được biết, Kustocem là đang cổ đông lớn nhất tại Coteccons với sở hữu trên 18% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Ông Nguyễn Bá Dương là Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons và cũng là cổ đông lớn, song tỉ lệ nắm giữ của ông Dương là 5,06%.
HDB tăng trần, dòng tiền vẫn đổ mạnh vào chứng khoán
Hoạt động chốt lời được đẩy mạnh trong phiên chiều 2/6 đã khiến chỉ số chính VN-Index lao thẳng xuống dưới ngưỡng tham chiếu, đánh mất 3,87 điểm tương ứng 0,44% còn 874,8 điểm.
Tương tự HNX-Index cũng giảm 0,49 điểm tương ứng 0,43% còn 113,64 điểm. UPCoM-Index ngược lại vẫn giữ được trạng thái tăng 0,39 điểm tương ứng 0,71% lên 55,98 điểm.
Dòng tiền giải ngân vẫn ồ ạt chảy vào thị trường. Trên HSX có 6.925,73 tỷ đồng được nhà đầu tư đưa vào mua cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt 484,7 triệu đơn vị. Con số này trên HNX là 76,84 triệu cổ phiếu tương ứng 876,77 tỷ đồng và trên UPCoM là 47,11 triệu cổ phiếu tương ứng 440,15 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía các mã giảm. Có 436 mã giảm giá, 46 mã giảm sàn trên toàn thị trường trong khi phía tăng có 302 mã và có 49 mã tăng trần.
Một số mã vẫn giữ được trạng thái tăng như SAB tăng 5.300 đồng, VJC tăng 1.400 đồng, GAS tăng 1.100 đồng; MSN, VCB, PLX đều tăng.
Ngược lại, VHM giảm 1.300 đồng còn 77.800 đồng; BID, BVH, MWG, PNJ, HPG, VIC cũng đều ghi nhận tình trạng giảm giá.
Trong phiên này, VHM và BID lại là hai mã có ảnh hưởng đáng kể nhất đến chỉ số chính, lần lượt khiến chỉ số sụt giảm 1,24 điểm và 1,03 điểm. VIC, HPG cũng gây sức ép lên VN-Index. Ở chiều tăng, SAB và GAS phần nào đã nâng đỡ chỉ số nhưng không đạt được ảnh hưởng chi phối.
HDB tăng trần và cũng là một trong những mã có ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index, đóng góp khoảng 0,48 điểm cho chỉ số. Mã này tăng trần 1.700 đồng lên 26.650 đồng, khớp lệnh 2,24 triệu đơn vị và không hề còn dư bán cuối phiên, dư mua giá trần còn trên 347 nghìn cổ phiếu.
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí