Trong nghệ thuật kiến trúc ngày nay, các kiến trúc sư cũng phải để rất nhiều tâm sức vào việc thiết kế mặt bằng, bố trí các khu, các phòng, lối đi… trong một ngôi nhà để phát huy tối đa công năng của các phòng, thuận tiện trong sinh hoạt, sử dụng, điều hòa ánh sáng, không khí được tốt nhất.
Cửa chính của ngôi nhà thì không nên đặt bếp ở đó mà vị trí cho bếp thường sâu bên trong và một mặt nhìn ra ban công, vườn sau hay khoảng trống, thoáng khí, tránh sự xáo trộn không gian.
Ở vào miền khí hậu nhiệt đới gió mùa như nước ta, vấn đề thông gió, chống nóng cho nhà ở lại càng trở nên quan trọng. Xét cho cùng, nhiều quan điểm của phong thủy cũng rất gần gũi với những nguyên tắc trong kiến trúc. Vì vậy, tìm hiểu những quan niệm của người xưa trong thiết trí ngôi nhà của mình có lẽ cũng không đến nỗi vô ích.
Theo quan niệm của phong thủy, giường nằm không nên kê đối diện với cửa ra vào hay gương lớn. Bên dưới gầm giường cũng không nên để lắm vật cũ nát. Ở bên trên không nên nằm đối diện với xà nhà.
Xét thấy trên thực tế, giường là nơi để nghỉ ngơi, vì vậy cần sự yên tĩnh, kín đáo và thoải mái. Nếu giường đối diện thẳng vào cửa, bên ngoài có thể dễ dàng nhìn thấu vào là một sự bất tiện. Khi ngủ dậy mở cửa ra, dễ bị luồng gió xộc vào phòng, lạnh đột ngột sẽ bị cảm lạnh, hoặc ít ra cũng là không có lợi cho sức khỏe. Còn nếu giường ngủ đối diện với gương lớn cũng ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và tinh thần.
Những lúc ngủ, nghỉ trên giường, cơ thể con người, kể cả hệ thần kinh, tim mạch thường ở trạng thái thư giãn, được thả lỏng, nhiều khi như nửa thực nửa hư. Bạn ngồi dậy và bỗng nhìn thấy một người cũng ngồi lù lù trước mặt. Bạn sẽ không hiểu sao và cảm thấy giật mình, thảng thốt, bàng hoàng.
Đến khi kịp định thần, nhận ra đó là cái bóng của mình trong gương thì bạn cũng đã bị một chấn động bất lợi lên hệ thần kinh và tim mạch rồi.
Nếu sự việc lặp lại nhiều lần sẽ gây tổn hại cho sức khỏe và tinh thần. Còn nếu gầm giường mà chứa nhiều vật cũ nát thì trước hết đã tạo sự lộn xộn trong phòng. Sau nữa đó sẽ là nơi trú ần của muỗi và các vi trùng gây bệnh tất nhiên là không có lợi cho sức khỏe, chẳng cứ gì phong thủy mới khuyên người ta như thế.
Về nhà bếp là nơi không thể thiếu trong sinh hoạt của con người. Từ đời xưa, người ta đã coi trọng bếp lửa. Thời cổ đại, một trong 5 vụ cúng tế (ngũ tự) thì có tế bếp lò. Theo sách “Hoài Nam Tử” thì Hiên Viên Hoàng đế, theo truyền thuyết là vị vua khai sáng ra dân tộc Trung Hoa cách đây khoảng hơn 5.000 năm vốn cũng là người làm bếp lò và khi chết đi trở thành thần bếp.
Vì vậy, phong thủy cho rằng lập bếp lò (cũng như bếp để đun nấu nói chung) phải chú ý đến phương hướng, không được đối với cửa phòng, không được để người nhà đối diện nhìn thấy bếp lò nhà mình, cũng không được để bếp lò đối diện chuồng gà, lối đi… Sào phơi quần áo không được giăng trên bếp lò vì sẽ làm uế tạp nơi thần bếp, thần lửa vốn được coi là thiêng liêng, ngự trị. Bếp lò cũng không nên áp sát phòng ngủ.
Xét thấy thực tế nơi làm bếp, nấu nướng cũng cần kín đáo, để người ngoài, khách khứa nhòm vào hẳn cũng là một sự bất tiện. Nơi nấu nướng lại cần sạch sẽ, vệ sinh, nếu gần lối đi, chuồng gà hẳn là không nên vì dễ bụi bặm, hôi hám ảnh hưởng đến thực phẩm, thức ăn. Còn việc phơi quần áo lên trên bếp dễ khiến quần áo khô nỏ, ám khói dẫn đến hỏa hoạn hoặc ít nhất cũng làm mất mỹ quan. Bếp cũng sinh ra nhiều thán khí, không có lợi cho sức khỏe, vì vậy đặt bếp gần phòng ngủ ắt hẳn là không nên.
Còn nơi thờ cúng, phong thủy quan niệm trong nhà đặt thần vị (bài vị thờ) tuyệt đối không được đối diện với phương Thái Tuế, nếu không sẽ bị tai họa (vấn đề này chúng tôi sẽ trình bày vào dịp khác, còn bắt đầu từ số sau, chúng tôi sẽ giới thiệu cách bố trí trong từng phòng cụ thể, bắt đầu từ phòng ngủ).
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng