Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, do chính sách chưa có sức hấp dẫn nên vẫn chưa thu hút được nhiều người nước ngoài vào Việt Nam mua nhà ở.
Xuất khẩu bất động sản tại chỗ
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, qua đánh giá, tổng kết của các địa phương và ý kiến góp ý của nhiều chủ đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) cũng như một số kiến nghị của các tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động, làm việc tại Việt Nam thì các quy định trước đây về đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam vẫn chưa phù hợp, còn hạn chế so với một số nước trong khu vực. Con số 126 trường hợp người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam những năm qua là quá ít.
Doanh nghiệp mong nới chính sách cho người nước ngoài mua nhà. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
|
Trong số 126 trường hợp đã mua nhà ở tại Việt Nam, cá nhân chiếm tới 80% còn các doanh nghiệp nước ngoài chiếm khoảng 20%. Thực tế, có ít doanh nghiệp nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam một phần do giá nhà ở còn quá cao so với chi phí thuê nhà ở cho người nước ngoài đang làm việc tại doanh nghiệp đó. Mặt khác, doanh nghiệp lại không được cho thuê hoặc cho người trong nước sử dụng khi nhà ở không sử dụng hết hoặc bỏ trống trong trường hợp các chuyên gia làm việc tại doanh nghiệp hết hạn về nước. Điều này rất lãng phí và khiến họ không “mặn mà” mua nhà. Đối với cá nhân nước ngoài, những trường hợp đã mua nhà ở tại Việt Nam chủ yếu là người đã kết hôn với công dân Việt Nam, chiếm tỷ lệ 80%.
Bởi vậy, nếu tạo điều kiện thu hút được dòng vốn từ nước ngoài, đáp ứng nhu cầu của người nước ngoài muốn mua nhà, làm ăn, sinh sống tại Việt Nam thì đây chính là nguồn lực mới và rất tiềm năng đối với thị trường BĐS Việt Nam. Trên thực tế, thị trường BĐS đang có những dấu hiệu hồi phục với lượng giao dịch tăng, hàng tồn kho giảm. Tuy nhiên, tín hiệu khả quan cũng chỉ tập trung ở phân khúc bình dân còn dòng sản phẩm cao cấp vẫn tồn kho nhiều. Khi cánh cửa dành cho người nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam đã mở thì những sản phẩm này sẽ có thị trường.
Chính vì lẽ đó, khi xây dựng Luật Nhà ở sửa đổi, sau khi lấy ý kiến của các bộ ngành, Bộ Xây dựng đã đưa vào dự thảo luật rất nhiều điểm thông thoáng để tháo gỡ những nút thắt, khó khăn cho người nước ngoài mua nhà nhằm tạo nguồn lực mới để kích thích phát triển BĐS trong dài hạn, giúp xử lý nợ xấu hiệu quả. Việc cho người nước ngoài mua nhà sau khi nhập cảnh được kỳ vọng tạo ra yếu tố thuận lợi để thu hút, kích thích phát triển đầu tư, du lịch, dịch vụ. Điều này có lợi cho cả nền kinh tế và phù hợp thông lệ quốc tế. Thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam và là một hình thức xuất khẩu BĐS tại chỗ - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết.
Mở không có nghĩa là buông lỏng
Việc mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã nhận được sự đồng tình của xã hội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến e ngại việc mở rộng cửa sẽ đi kèm với mất kiểm soát nên cần có các quy định chặt chẽ và cụ thể hơn về thời hạn cư trú tại Việt Nam cũng như các điều kiện hạn chế cụ thể khác để tránh đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường nhà ở tại Việt Nam…
Theo đó, đối với người nước ngoài thì chỉ cho phép các cá nhân đang học tập, làm việc, sinh sống tại Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định thì được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Còn với tổ chức nước ngoài thì cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Về loại nhà được mua và sở hữu thì dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi quy định cho phép ngoài căn hộ chung cư, tổ chức, cá nhân nước ngoài còn được sở hữu nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, liền kề) trong các dự án phát triển nhà ở thương mại tại khu vực không hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú.
Về số lượng nhà ở được phép mua và sở hữu thì dự thảo quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được mua, thuê mua và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; trường hợp trong một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính phường mà có nhiều nhà chung cư thì Chính phủ quy định số lượng căn hộ được mua, thuê mua và sở hữu. Nếu là nhà ở riêng lẻ gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một đơn vị hành chính tương đương phường chỉ được mua, thuê mua và sở hữu không quá 250 căn.
Về thời hạn sở hữu, dự thảo Luật Nhà ở quy định đối với cá nhân thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu có nhu cầu...
Mặc dù mở rộng cửa nhưng các quy định cũng phải được thực hiện rất chặt chẽ. Theo Bộ Xây dựng, mặc dù việc sửa đổi các quy định hướng tới mục tiêu là sẽ khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhằm thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực và kinh nghiệm, công nghệ góp phần thúc đẩy thị trường trong nước phát triển. Tuy nhiên, mặt khác vẫn bảo đảm được an ninh, quốc phòng, tránh được việc đầu cơ, lũng đoạn thị trường BĐS cũng như phòng chống rửa tiền và không làm ảnh hưởng đến các chính sách về nhà ở cho người nghèo, các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở của nhà nước.
DiaOcOnline.vn - Theo Tin tức