Top

Người nước ngoài được mua nhà: Bất động sản trước cơ hội lớn

Cập nhật 17/11/2014 10:11

Càng về cuối năm, khi thị trường bất động sản (BĐS) bắt đầu sôi động trở lại, thị trường lại tiếp tục “nóng” lên với việc chủ trương mở toang cửa cho người nước ngoài mua, sở hữu và kinh doanh nhà ở tại Việt Nam sắp được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này. Nhiều chuyên gia khẳng định, chủ trương này được thông qua sẽ mở ra một cơ hội lớn không chỉ cho thị trường BĐS Việt Nam, mà còn thu hút một nguồn lớn ngoại tệ về cho đất nước.


Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Bá Chí Nhân: Mở cửa cho người nước ngoài mua nhà là vun đắp niềm tin vào môi trường đầu tư

Theo tôi, việc mở nút thắt cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam không chỉ đơn thuần là hỗ trợ, tháo gỡ thị trường, giải phóng hàng tồn kho, mà ý nghĩa quan trọng hơn còn nằm ở chỗ nó góp phần vun đắp niềm tin và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là ở khối ngoại. Mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là phù hợp xu thế hội nhập. Tuy nhiên, một vấn đề lớn đặt ra là, làm thế nào để việc mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam không làm mất cơ hội mua và sở hữu nhà của đại đa số người Việt Nam có thu nhập trung bình và thấp trong nước. Do vậy, Luật Nhà ở sửa đổi cần quy định, cá nhân nước ngoài chỉ nên được mua chung cư cao cấp trong dự án để tránh cạnh tranh trực tiếp với người dân Việt ở phân khúc bình dân và để tránh tích tụ bất động sản.

GS-TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Hãy tạo cơ hội cho thị trường

Tôi cho rằng, tâm lý loay hoay mãi với “nới hay không nới” cho người nước ngoài mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đây là tâm lý của thời bao cấp, hội nhập quốc tế nhưng lại cứ lo, lo cái này cái kia, nhiều cái lo cũng không được hiện thực cho lắm. Việc mở toang cửa cho người nước ngoài mua nhà, lẽ ra ta phải mở từ lâu, chứ không phải chờ BĐS đóng băng thì ta mới làm như giải pháp tình thế. Vì đó là một điều kiện của một nền kinh tế hội nhập, để chúng ta tăng xuất khẩu BĐS tại chỗ, tạo thêm ngoại tệ cho đất nước. Tuy nhiên, song song với điều này, các nhà hoạch định chính sách cần phải tính đến việc cho thế chấp BĐS Việt Nam để vay vốn trung và dài hạn tại ngân hàng nước ngoài. Đây là 2 giải pháp đối ngẫu của một vấn đề cần phải giải quyết cùng lúc. Kể cả việc mở cánh cửa cho kiều bào và người nước ngoài mua nhà, mà chúng ta không mở tiếp cánh cửa cho thế chấp BĐS tại ngân hàng nước ngoài thì ta mới chỉ làm được một nửa giải pháp, vì thực tế nguồn vốn trung - dài hạn của các NHTM trong nước đang rất hạn chế.

Có một vấn đề nữa, theo tôi, cũng cần lưu ý và cân nhắc kỹ về quy định cá nhân nước ngoài không được mua và sở hữu quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; Trường hợp trong một đơn vị hành chính cấp phường mà có nhiều nhà chung cư thì Chính phủ quy định số lượng căn hộ được mua và sở hữu; nếu là nhà ở riêng lẻ (biệt thự, nhà liền kề) trên một đơn vị hành chính cấp phường thì cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu không quá 250 căn nhà. Chúng ta đã có những câu chuyện nhãn tiền đang là thời sự của Ukraina, hay Iraq cũng vậy, vì việc người nước ngoài tập trung nhiều ở một khu vực nhất định, đó sẽ là hiểm họa cho an ninh quốc gia. Cái đó thì phải cảnh giác. Còn việc cứ lo rằng có một ông nước ngoài mang mấy máy bay tiền sang để mua hết nhà này nhà khác, mua hết đất Việt Nam là điều chẳng bao giờ có thể xảy ra được cả. Chúng ta chỉ nên cảnh giác những thứ thật sự cần thiết, còn lại hãy nên tạo cơ hội cho thị trường.

Theo tôi, thị trường BĐS vẫn còn rất nhiều cơ hội, lượng tiền trong dân hiện này còn rất nhiều (khoảng 500 tấn vàng vẫn nằm trong dân). Chủ trương của Nhà nước lại cấm mua bán vàng miếng, nên thời cơ cho BĐS còn rất lớn.


DiaOcOnline.vn - Theo Lao động