Tiếng ồn trong cuộc sống hàng ngày luôn là một trong những nguyên nhân gây ra sự căng thẳng và khó chịu trong sinh hoạt gia đình. Hiện nay, với thực trạng nhà phố liền kề nhau và mật độ giao thông đông đúc thì việc chọn lựa giải pháp giảm thiểu tiếng ồn luôn là mối quan tâm hàng đầu.
Có rất nhiều điểm xuất phát của tiếng ồn: mái nhà, cửa sổ, cửa ra vào, tiếng động từ tầng trên xuống tầng dưới, sàn nhà…Tùy từng trường hợp mà ta có thể chọn lựa vật liệu và giải pháp thi công phù hợp.
Mái nhà:
Việc sử dụng mái ngói sẽ tăng hiệu quả giảm ồn hơn mái tôn vốn là tác động gây nên tiếng ồn khi mùa mưa đến.
Trần nhà:
Đóng trần giúp hạn chế tiếng ồn từ trên mái nhà xuống cũng như những tiếng động trong sinh hoạt ở tầng trên phát xuống tầng dưới. Để đóng trần, thông thường người ta thả đà trần và đóng ván ép hoặc sử dụng tấm trần nổi (trần thả).
Đối với việc đóng ván trần có thể tạo khoang chứa cát phía trong để chống chấn động sàn và ngăn dội âm từ tầng trên xuống tầng dưới.
Đối với tấm trần nổi có thể sử dụng loại trần tiêu âm dày 13 mm, bề mặt có hoa văn và được đục lỗ thông suốt, lõi được gia cố bằng sợi thủy tinh nên tiếng ồn thoát đi được và không lưu lại trong phòng.
Sàn nhà:
Nên lát sàn nhà bằng gỗ hoặc ván ép giúp thay vì lát bằng gạch men hay đá. Những khoảng hở giữa khung sàn gỗ hoặc lớp mút mỏng lót dưới nền khi sử dụng ván sàn nhân tạo đều giúp tiêu âm tốt và còn tạo sự êm ái khi di chuyển.
Ngoài ra ta có thể sử dụng thảm lót sàn để cách âm và giảm thiểu việc khuếch đại âm thanh từ sàn nhà lên bàn ghế và các vật dụng khác.
Hệ thống cửa:
Không nên lắp các cánh cửa đối diện trực tiếp với nhau nhằm đảm bảo âm thanh không được truyền qua và lọt vào phòng.
Chọn lựa các loại cửa cách âm bằng kính hoặc gỗ, ván nhân tạo đem lại hiệu quả cao. Khi lắp đặt cần chú ý hạn chế tối đa các khoảng hở, sử dụng đệm hoặc mối nối cao su để bảo vệ cửa và bịt kín các khe hở nếu có.
Các loại rèm, màn cửa cũng góp phần cách âm khá tốt và tạo tính thẩm mỹ cao.
DiaOcOnline.vn sưu tầm