Top

10 cách để nhà thoáng đãng

Cập nhật 24/06/2015 14:14

Ngôi nhà rộng rãi, mát mẻ làm con người dễ chịu, vui vẻ, làm việc hiệu quả.


Đón hướng gió mát: Ngôi nhà truyền thống xưa thường được quay theo hướng nam, đông nam để đón gió mát mùa hè (gió đông nam) và ngăn gió lạnh mùa đông (gió đông bắc). Trong điều kiện có thể lựa chọn hướng (biệt thự, nhà vườn, nhà có nhiều hướng tiếp cận) thì lựa chọn hướng gió mát nên là điểm tiên quyết khi lựa chọn bố cục tổng thể cho ngôi nhà. Với nhà phố mà không có sự lựa chọn hướng nhà, khi thiết kế hệ thống cửa, vẫn cần ưu tiên cửa ở hướng gió mát để có nhiều cơ hội đón gió tạo sự thông thoáng cho nhà.


Chắn nắng, chống nóng: Những hệ thống chắn nắng hợp lý sẽ làm giảm bức xạ nhiệt mặt trời vào công trình mà vẫn đảm bảo cho gió lưu thông, làm cho công trình thoáng mát. Ngôi nhà dân gian xưa hay có tấm mành chắn nắng ở phía trước. Những công trình thời thuộc Pháp có đặc trưng với hệ cửa chớp bên ngoài giúp thông thoáng khí và rất linh hoạt khi sử dụng. Về sau, các công trình hiện đại có những hệ lam, tường hoa... chắn nắng. Những kết cấu bao che này còn góp phần tạo nên giá trị thẩm mỹ công trình và có thể tạo nên những giá trị riêng, đặc sắc.


Sử dụng vật liệu "thoáng": Để mở rộng không gian, mở rộng tầm nhìn, tránh rối mắt có thể sử dụng cầu thang bậc rỗng (bằng thép kết hợp bậc gỗ), lan can thanh mảnh, dây cáp căng, kính. Kính có ưu điểm là sự trong suốt, cho phép ánh sáng đi qua và không cản tầm nhìn. Kính ứng dụng làm cửa sổ, vách ngăn, lan can cầu thang - ban công, làm mái...


Thông tầng, giếng trời, sân trong: Giải pháp này đã xuất hiện từ xưa, có thể thấy trong nhiều ngôi nhà ở phố cổ Hà Nội hay phố cổ Hội An. Thiết kế thông tầng, giếng trời hay tổ chức sân trong cũng vẫn là những giải pháp cơ bản trong nhà phố hiện đại. Nhà phố đa phần là bị hạn chế mặt thoáng nên vấn đề thông gió theo phương ngang bị hạn chế. Thông tầng, giếng trời góp phần tăng cường thông gió theo chiều đứng. Đó cũng là sự kết nối không gian, chiếu sáng tự nhiên và là điểm nhấn thú vị trong không gian nội thất.


Kết nối không gian: Sự kết nối hay vay mượn không gian sẽ giảm sự bí bức trong tầm nhìn, tăng cường thông gió. Rất nhiều không gian có thể kết nối với nhau, như kết nối trong với ngoài, trên và dưới, kết nối từ nhà với vườn hay những khoảng hiên, khoảng đệm; kết nối giữa phòng nọ với phòng kia. Ở ngôi nhà truyền thống, có thể kết nối các gian nhà với nhau; kết nối ra sân, ra vườn. Trong ngôi nhà phố hiện đại, dễ thấy sự kết hợp giữa phòng khách - sinh hoạt chung và phòng ăn rất được ưa chuộng bởi tính hiệu quả của nó.


Ngăn cách ước lệ: Có những không gian đòi hỏi sự tách biệt để định hình rõ trong quá trình sử dụng, hay cần kín đáo ở mức độ nào đó, song không nhất thiết phải kín hoàn toàn. Ở trong trường hợp đó có thể dùng giải pháp ngăn cách ước lệ như sử dụng mành, bình phong, vách rỗng, cây xanh. Những cấu kiện này vừa có tác dụng ngăn cách, phân định không gian, vừa đảm bảo thông gió và cũng là những yếu tố trang trí trong nội thất.


Nhà cao, cửa rộng: Đó là sự đúc kết của ông cha trong kinh nghiệm làm nhà. Nhà cao, cửa rộng sẽ khiến cho không khí lưu chuyển nhiều và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đó là ngôi nhà kiến trúc dân gian truyền thống. Với nhà hiện đại thì còn nhiều yếu tố khác và giải pháp khác. Nếu làm trần cao thì phải có cửa thông gió trên cao để không khí nóng không bị đọng phía trên; cửa rộng cũng tốt, nhưng phải có tính toán chiều thông gió hợp lý.


Bố trí nội thất phù hợp: Đây là giải pháp nội thất khi không gian kiến trúc và các kết cấu bao che đã định hình. Trong mỗi không gian, hay phòng chức năng, cần bố trí nội thất hợp lý, và không nên tham quá nhiều đồ. Điều đó làm cho không gian thoáng hơn và con người sống trong đó cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu. Nếu như một căn phòng có quá nhiều đồ giường, tủ, bàn, ghế... hay các vật trang trí nội thất khác sẽ gây sự rườm rà khó chịu và bất tiện trong sinh hoạt.


Màu sắc và chiếu sáng: Màu trắng và màu sáng gợi cảm giác nhẹ nhàng, thoáng, bay bổng. Những màu tối gợi cảm giác chật chội, bí bách. Ngoài chiếu sáng tự nhiên thì chiếu sáng nhân tạo cũng góp phần quan trọng. Ánh sáng trắng kết hợp ánh sáng vàng tạo nên hiệu quả tốt. Còn các loại ánh sáng màu khác (xanh, đỏ, tím) nếu không phải là không gian giải trí thì không nên sử dụng, vì nó dễ gây kích thích và ức chế thần kinh, làm sai màu đối với thị giác và giảm giá trị thẩm mỹ với những không gian không cần sắc màu ấy.


Cây xanh, mặt nước: Các yếu tố này luôn tạo nên cảnh quan đẹp ở không gian đô thị và đối với cả nội - ngoại thất của ngôi nhà ở. Cây xanh làm mềm không gian và tạo nên sự biến đổi, luân chuyển thời gian do quá trình sinh trưởng và chu kỳ sống (ra mầm, rụng lá, nở hoa, kết quả). Quá trình quang hợp của cây xanh tạo nên khí oxy và giảm khí cacbonic làm cho môi trường sống trong lành hơn. Cây xanh còn có tác dụng ngăn ồn, ngăn bụi, giảm bức xạ nhiệt vào công trình, làm công trình mát và thoáng hơn. Mặt nước giúp giảm nhiệt trong môi trường và thanh lọc bầu không khí.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress