Chim rái cá, chim cốc hay cà kheo... là những phương tiện mà nhiều ngư dân đã sử dụng trong việc đánh bắt cá của mình.
Với xã hội và công nghệ ngày càng phát triển, đánh bắt cá ngày nay đã trở thành một ngành công nghiệp lớn mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nhiều nước mỗi năm.
Đi cùng với sự phát triển này, nhiều nước đã chuyển sang sử dụng gần như hoàn toàn máy móc, cũng như lưới điện hay tàu thuyền cỡ lớn...
Tuy vậy, tại nhiều vùng biển, người dân vẫn sử dụng các phương pháp "độc nhất vô nhị" để đánh cá với quy mô nhỏ nhưng mang tính truyền thống và đậm chất dân tộc mộc mạc.
1. Bắt cá bằng cà kheo
Câu cá bằng cà kheo là một phương pháp đánh bắt độc đáo của người dân đảo quốc Sri Lanka, gần bờ biển Ấn Độ, thuộc Ấn Độ Dương.
Theo truyền thống, người dân ở đây ngồi lên trên một thanh ngang được gọi là “petta”. Họ gắn thanh này vào một cột thẳng đứng và cắm nó xuống dưới nền cát khoảng vài mét ngoài bờ biển.
Từ vị trí cao này, những người ngư dân thả dây lưới và chờ cho cá bơi đến gần để bắt. Mặc dù phương pháp này có vẻ thô sơ và cổ đại nhưng câu cá bằng cà kheo trên thực tế lại là một truyền thống mới xuất hiện gần đây.
Cách câu cá này được cho là bắt nguồn vào khoảng Thế chiến II khi mà nguồn lương thực trở nên cạn kiệt. Bên cạnh đó, các điểm câu cá phổ biến lại trở nên quá đông đúc.
Chính vì vậy người dân đã cố gắng tìm cách bắt cá từ trên cao so với mặt nước. Họ bắt đầu bằng cách ngồi trên xác tàu hay máy bay dạt bờ, sau đó một số người bắt đầu dựng “cà kheo” ở gần rạn san hô.
Kĩ thuật này đã được truyền qua 1 - 2 đời ngư dân trước khi nó trở thành một nghề truyền thống. Tuy nhiên, trận sóng thần lịch sử năm 2004 đã tàn phá phần lớn khu vực bờ biển Ấn Độ Dương, làm thay đổi bờ biển Sri Lanka và khiến phương pháp câu cá bằng cà kheo dần mai một.
2. Bắt cá bằng chim cốc ở Nhật
Chim cốc là một loại chim sống ở vùng biển và được coi là bậc thầy trong việc đánh bắt cá. Chúng thường đợi con mồi ở bờ biển và ven sống, khi nhắm được con mồi sẽ lặn xuống nước, sử dụng cánh và chân rồi nuốt cá vào cổ họng.
Người Nhật đã tận dụng đặc điểm này để biến đàn chim cốc thành một công cụ bắt cá hữu hiệu.
Đây là một phương pháp bắt cá truyền thống cổ xưa, đã từng được thực hiện tại Nhật và Trung Quốc vào thời cổ đại. Ngày nay, tại sông Nagara thuộc tỉnh Gifu (Nhật), các nghệ nhân cổ xưa vẫn thực hành "môn nghệ thuật" hơn 1.300 tuổi này.
Cứ vào khoảng chiều tà, một nhóm ngư dân cùng khoảng một chục con chim cốc được huấn luyện sẽ “ra khơi” trên những con thuyền gỗ dài.
Quy tắc rất đơn giản, khi những chú chim cốc bắt được cá, ngư dân sẽ kéo nó về thuyền và lấy con cá ra. Để tránh việc chim ăn mất cá, ngư dân gắn vào cổ họng chim cốc một cái bẫy đơn giản, ngăn cá rơi tuột xuống họng chim cốc.
Mặc dù nhiều phương pháp đánh cá hiện đại khác đã phát triển nhưng loại hình nghệ thuật câu cá bằng chim cốc vẫn được người dân ở đây thực hiện như một truyền thống và cũng để thu hút khách du lịch.
3. Bắt cá với rái cá
Tại Bangladesh, ngư dân ở đây coi rái cá như một người bạn đồng hành quen thuộc mỗi khi lên đường đánh bắt cá. Đây là một kỹ thuật hiếm thấy, độc đáo và đã có lịch sử từ hàng thế kỷ qua.
Nhiệm vụ của những chú rái cá ở đây không phải là bắt cá mà bơi vòng quanh và đuổi các chú cá khác lẩn trốn trong bụi cây ra ngoài.
Sau đó, rái cá sẽ tìm cách dụ cá vào trong lưới. Khi cảm thấy lưới động đậy, nặng hơn, những ngư dân sẽ tóm gọn, thu lưới lên.
Có thể nói, rái cá chính là yếu tố nhằm làm tăng hiệu suất đánh cá của người dân nơi đây.
Một điều đáng tiếc là kỹ thuật truyền thống này đang có nguy cơ bị “tuyệt chủng” do đối mặt với sự giảm sút trầm trọng về lượng cá tự nhiên trong hồ.
Chỉ trong vòng 50 năm trở lại đây, số lượng gia đình đánh bắt cá bằng phương pháp rái cá này đã giảm đến 90%. Đây không chỉ là nguy cơ đối với nghề đánh cá truyền thống này mà số lượng của loài rái cá bản địa - một trong những loài động vật nằm trong diện được bảo vệ của quốc gia cũng bị đe dọa.
Theo MASK / Amusing Planet, Dailymail