Không giống như các nước láng giềng khác ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam…, Nhật Bản tổ chức đón năm mới theo dương lịch. Người Nhật gọi dịp này là “Oshogatsu”, và đây là sự kiện để nghênh đón vị thần Toshigamisama...
Người Nhật bắt đầu chuyển sang ăn Tết dương lịch theo phương Tây từ năm Minh Trị thứ 6, tức năm 1873. Phong tục đón năm mới của người Nhật hiện vẫn giữ được những truyền thống Á Đông điển hình, bên cạnh đó cũng thu nhận những nét văn hóa mới từ phương Tây qua quá trình giao lưu, tương tác theo dòng chảy của thời gian.
Lễ phật đầu năm - Ảnh: Internet |
Oshogatsu vốn là tên gọi riêng tháng giêng nhưng hiện nay thường dùng để chỉ khoảng thời gian từ mồng 1-3 của tháng đầu tiên trong năm. Người Nhật bắt đầu chuẩn bị cho Oshogatsu từ ngày 8-12 (ở vùng Kanto là ngày 13).
Người Nhật có tập quán trang trí cây thông (kadomatsu) trước cửa nhà, trước cửa hàng hay trước cổng công ty. Họ quan niệm cây thông này là nơi đón Toshigamisama - vị thần linh đem lại sự thịnh vượng, may mắn và trường thọ. Ngoài vật tiêu biểu là cây thông thì người Nhật còn dùng các loại thừng bện bằng cỏ, dải giấy trắng... tượng trưng nhiều mong ước, nhiều ý niệm khác nhau cho một năm mới tốt lành.
Cây thông (kadomatsu) trang trí trước cửa nhà. Mỗi khi nhìn thấy cây thông này, người Nhật Bản nào cũng sẽ nao nức nhớ ngay về Oshogatsu - Ảnh: Internet |
Đêm 30 tết là thời gian gia đình sum họp, cùng nhau ăn tất niên và chờ đón khoảnh khắc giao thừa. Trái với người châu Âu và người Mỹ thường đón Giáng sinh cùng gia đình còn khi giao thừa thì ra những địa điểm công cộng để chào mừng năm mới, người Nhật lại thường đi chơi Giáng sinh với người yêu, bạn bè và quây quần đón năm mới bên gia đình.
Vào đúng 0g đêm giao thừa, khắp các chùa trên đất nước Nhật Bản sẽ đánh 108 hồi chuông với ý nghĩa xua đuổi 108 con quỷ sứ. Tiếng chuông cũng là âm thanh được coi là bậc nhất trong năm âm thanh của Phật pháp.
Thời khắc giao thừa, trong tiếng chuông ngân vang, sau khi nói lời chúc mừng năm mới tới mọi người xung quanh, tất cả sẽ quây quần bên nhau cùng thưởng thức rượu sake và các món ăn truyền thống vào dịp Oshogatsu.
Trên bàn ăn ở các gia đình Nhật Bản những ngày này thường không thể thiếu các loại bánh làm từ gạo (tiếng Nhật gọi là omochi), các món ăn chế biến từ cá và hải sản… Các đồ ăn được từ gạo sẽ là nguồn gốc giúp con người thành đạt.
Là một quần đảo trên Thái Bình Dương, Nhật Bản có nền ngư nghiệp rất phát triển và đất nước này cũng rất nổi tiếng về các món ăn được chế biến tinh tế từ cá và hải sản. Người dân Nhật cũng quan niệm ăn cá giúp trí não con người trở nên thông minh.
Những món ăn truyền thống của Nhật trong dịp Oshogatsu - Ảnh: Internet |
Cũng giống nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam… người Nhật thường đi lễ chùa cầu may mắn, tốt lành cho năm mới. Phong tục này trong tiếng Nhật gọi là hatsumode. Người ta sẽ tới ngôi chùa nằm ở hướng được cho là hướng tốt của năm đó.
Trước khi đi lễ phải rửa tay và súc miệng sạch sẽ. Tiền hương hoa dâng Phật là những đồng tiền họ tung vào hòm công đức đặt trước điện thờ. Người làm lễ sẽ chắp tay lạy hai lễ, vỗ tay hai lần, rồi chắp tay cầu nguyện và cuối cùng lạy một lễ. Người Nhật thường bỏ tiền ra để rút quẻ hoặc mua một mũi tên thần nhằm cầu mong được thần Phật phù hộ độ trì một năm mới bình an, phát đạt.
Trong các ngày mồng một, hai và ba, người Nhật thực hiện các cuộc thăm viếng đầu xuân. Họ tới chúc tết các cấp trên ở công ty mình, chúc tết họ hàng, người thân, bạn bè cũng như hàng xóm láng giềng. Thông thường mỗi nhà sẽ để một cuốn sổ kèm bút trước cổng để khách đến chúc tết ghi lại tên hoặc lưu danh thiếp lại thông báo đã tới thăm nhà. Hoặc có nhiều người khách sẽ mang theo nhiều khăn tay nhỏ đề tên mình để tặng chủ nhà làm kỷ niệm.
Oshogatsu là khoảng thời gian yêu thích của trẻ con Nhật Bản vì các em sẽ được nhận tiền mừng tuổi. Tiền mừng tuổi trong tiếng Nhật là “Otoshidama”, từ này xuất phát từ ý nghĩa chỉ sức mạnh của vị thần Toshigamisama.
Trong dịp này trẻ em thường chơi các trò như đánh cầu, thả diều… Nếu đọc bộ truyện tranh Đôrêmon nổi tiếng, bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhóm bạn nhỏ Nôbita, Xuka, Chaien, Xêkô, Đêkhi… chơi những trò này trong các mẩu chuyện về ngày tết. Tuy nhiên, hiện nay trẻ em Nhật không mấy khi chơi đánh cầu, thả diều… vốn là những trò chơi truyền thống mang niềm tự hào của nước Nhật vào dịp Oshogatsu nữa.
Hình ảnh một con diều trẻ em thường chơi trong những ngày Oshogatsu - Ảnh: Internet |
Vào cuối năm, người Nhật Bản thường chuẩn bị các tấm thiệp ghi lời cảm ơn và lời chúc trang trọng nhất nhân dịp năm mới tới những người quen biết. Phong tục này thể hiện rất rõ truyền thống văn hóa “cảm ơn” của người Nhật. Mỗi tấm bưu thiếp dù nhỏ bé khi được gửi đi đều mang trong đó lòng cảm tạ sâu sắc những gì người khác đã làm cho mình. Bưu thiếp sẽ được chuyển tới tay người nhận vào đúng ngày mồng một
Điều đặc biệt nữa là, đối với những ai có người thân vừa qua đời trong năm thì sẽ không gửi hay nhận thiếp năm mới từ bất kỳ ai để họ có thể tĩnh tâm tưởng nhớ và cầu nguyện cho người đã khuất.
Một trong những nét đặc sắc của phong tục đón tết của người Nhật là tập quán gửi thiếp chúc mừng năm mới. Tập quán này tương đối giống các nước Âu - Mỹ song thực tế khởi nguồn từ Trung Quốc và được du nhập vào Nhật Bản.
Tuy nhiên, từ cuối những năm 1990 thì việc gửi lời chúc mừng năm mới qua điện thoại, e-mail thay vì gửi bưu thiếp trở nên phổ biến hơn. Và khi gặp ai đó dịp đầu năm mới, người Nhật Bản cũng thường nói câu “Happy new year” hơn là sử dụng câu chúc mừng năm mới truyền thống bằng tiếng Nhật.
Oshogatsu là một trong những dịp lễ hội tồn tại lâu đời nhất ở Nhật Bản. Hiện nay, không khí Oshogatsu ở Nhật Bản không còn đầy đủ vẻ bình lặng mà mỗi người đều có thể trải qua những khoảng thời gian thư thả vui chơi cùng người thân, gia đình như ngày xưa. Các cửa hàng kinh doanh mở cửa từ ngày mồng một, và mở tivi khiến không khí đường phố trở nên ồn ào.
Nhiều người Nhật trung niên và cao tuổi vào mỗi khi năm mới đến vẫn thường ngưỡng vọng về những ngày Oshogatsu xưa kia.
DiaOcOnline.vn - Theo TTO