Top

Nồng ấm 30

Cập nhật 03/02/2008 08:16

Nếu hỏi kiến trúc sư có mấy loại ánh sáng để bố trí cho công trình? Trả lời: Ánh sáng trắng và ánh sáng vàng. Còn hỏi ánh sáng nào đẹp nhất? Khẳng định: Ánh sáng tự nhiên.

Sáng tự nhiên lúc nào cũng đẹp, ngay cả những góc tối mà ánh sáng không quét vào được nó cũng hiện cảnh mờ mờ thêm bí ẩn. Sáng - tối đối nhau làm không gian sâu rộng và quyến rũ.



Nắng chiều 30 Tết gợi một
không gian háo hức đón giao thừa.


Ánh sáng trắng làm mọi thứ rõ ràng, dễ quan sát thích hợp cho trường học, bệnh viện, văn phòng, nhà ở (nếu muốn). Còn ánh sáng vàng? Ai đã thích thì cho là rất đẹp. Thứ ánh sáng giống tự nhiên: quyến rũ, ấm cúng và nhất là gợi hình, gợi bóng…gợi tình cho phong cách trang trí nội thất Việt Nam.



Sẵn sàng cho một ngày mới.


Ở một nhà hàng Việt Nam, người ta đã làm như thế này: giới thiệu văn hóa Việt Nam bằng nghệ thuật ẩm thực. Ta không thể đọc sách, xem hình, nghe kể lại mà có thể biết ngay được vị rượu ngon, trái cây quý, món ăn truyền thống mà không đến đó để thưởng thức. Và cũng không thể cảm nhận được sự tinh tế của món ăn nếu vừa đứng vừa ăn, vừa nói vừa ăn. Món ngon phải có chỗ ngồi trang trọng, đàng hoàng.



Đặt đúng bàn, ngồi đúng chỗ cho món ăn
ngon thăng hoa trong một khung cảnh hữu tình.


Cũng chưa hẳn ấn tượng nếu món chả giò của Việt Nam mà ngồi ghế da, sofa trong khách sạn, nhà hàng cao cấp. Nghệ thuật ẩm thực ở đây đã được chăm chút từ nguyên liệu, cách chế biến, nêm nếm khẩu vị và tất cả được đặt vào một khung cảnh hữu tình, đưa món ăn Việt Nam trở thành sứ giả văn hóa đến các nước.

Nắng – chiều 30 Tết. Một cái nắng khó tả: màu vàng không chói, không nóng, không gắt nhưng nó lại “phả hơi hối hả” đốc thúc mọi người mau kết thúc những việc còn dang dở để quay về nhà chờ đón giao thừa. Nó nhuộm vàng lên mọi thứ, quét vào nhà vệt sáng lung linh, gợi không gian háo hức…



Phủ một sắc vàng ấm nồng, lung linh chào đón Tết.


Việc dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa cơm tất niên đã sẵn sàng. Khung cảnh đầm ấm, an bình rộng mở…

Ánh sáng vàng 30 – nồng ấm. Nó không hề gây sự âm u hay buồn chán mà nó đã phủ lên tất cả những gì đang có một “không gian vàng” của gia đình, cá tính trong trang trí và lãng mạn trong sắc màu của người yêu nghệ thuật.

Hai chị em nhà Reichardt – Pháp mang dòng máu Việt, Dinn Bopha cô gái Việt mang dòng máu Cambodia…Tất cả đều chọn Việt Nam là quê hương, là lẽ sống của đời mình và con đường họ đi cũng đơn giản: giới thiệu món ăn Việt Nam với bạn bè, vừa là kế sinh nhai và cũng là niềm tự hào khi họ đem đến niềm vui thực sự cho du khách.

“Tôi là người Việt. Các món ăn quê tôi đều chứa đựng ý nghĩa sâu xa: có âm (lạnh), có dương (nóng). Kết hợp được sự đối lập của thực phẩm: nhiệt với hàn, mặn với ngọt, chua với cay…ở món ăn Việt đã thành nghệ thuật được truyền lại bao đời.



Món ngon, không gian đầm ấm và thời khắc đáng nhớ.


Ngay trong chén nước mắm pha để ăn chả giò cũng đủ âm – dương. Sự hòa hợp này tạo “năng lượng tốt” cho người thưởng thức và thăng hoa mùi vị. Món chè, tưởng chừng chỉ có vị ngọt nhưng trong khi chế biến người ta đã “dằn” chút muối làm vị ngọt đậm hơn, nước cốt dừa béo hơn…”. Bopha hãnh diện khi nói với khách.

Để cho người ta yêu thích và yêu Việt Nam, không thể nói suông, hay áp đảo bằng những phương tiện thông tin, quảng cáo. Họ chỉ có thể cảm nhận được từ từ qua những món ăn, khung cảnh hữu tình và sự chân thật từ những cuộc trò chuyện thú vị.

Theo KT Nhà Đẹp