Hiện nay có tình trạng mỗi ngành đều làm quy hoạch riêng, bắt nguồn từ quan niệm ai quản lý cái gì thì phải làm quy hoạch cái đó, không ai chịu nhường ai. Điều này không cần thiết, thậm chí dẫn đến trùng lắp và thiếu đồng bộ.
* Qua sự cố đường Vành đai 3 và quy hoạch phát triển giao thông TPHCM đến năm 2020 mà Báo NLĐ phản ánh, ông có nhận xét gì?
TS Võ Kim Cương: Qua sự việc đường Vành đai 3 nói riêng và quy hoạch phát triển giao thông vận tải của TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đang gây trở ngại cho quy hoạch xây dựng (QHXD) TP nói chung, tôi cho rằng đây là hậu quả của sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch.
QHXD và quy hoạch giao thông giống như con gà và quả trứng, rất khó phân biệt cái nào làm trước, cái nào làm sau. Có khi QHXD xác định trước các đô thị vệ tinh, từ đó nảy sinh nhu cầu về giao thông. Nhưng cũng có trường hợp một số dự án giao thông lớn như đường sắt, trục đường lớn... được định vị ngay từ đầu rồi QHXD đi theo. Tuy nhiên, giao thông muốn làm chi tiết phải phối hợp với QHXD. Nên nhớ chỉ có quy hoạch chi tiết về xây dựng chứ không có quy hoạch chi tiết về giao thông riêng.
Theo tôi, trường hợp đường Vành đai 3 cần sớm phóng hướng tuyến chi tiết để xác định cụ thể có cắt khu Đền Hùng hay không. Đồng thời, cắm mốc trước để giữ đất thực hiện dự án sau này.
* Theo ông, làm thế nào để phối hợp chặt chẽ hơn giữa các loại quy hoạch?
Quan điểm của tôi là TPHCM chỉ có một quy hoạch đô thị duy nhất là QHXD. QHXD này tích hợp tất cả quy hoạch ngành như giao thông, cấp thoát nước, y tế, văn hóa, giáo dục...
* Tức là không cần đến những quy hoạch ngành còn lại?
Không phải không cần đến mà những quy hoạch ngành này là những định hướng chiến lược phát triển ngành được tích hợp vào QHXD. Hiện nay có tình trạng mỗi ngành đều làm quy hoạch riêng, bắt nguồn từ quan niệm ai quản lý cái gì thì phải làm quy hoạch cái đó, không ai chịu nhường ai. Điều này không cần thiết, thậm chí dẫn đến trùng lắp và thiếu đồng bộ.
Lấy ví dụ, ngành tài nguyên - môi trường làm quy hoạch sử dụng đất rất tốn kém nhưng lại không có tác dụng mấy. Về lý thuyết, quy hoạch sử dụng đất và QHXD đều dựa trên định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch sử dụng đất là xác định mục đích sử dụng đất của các khu đất, còn QHXD là khoa học tổ chức không gian kiến trúc trên đất. Trên cơ sở đó, chắc chắn không có chuyện cùng một địa điểm mà có hai mục đích sử dụng đất khác nhau. Vì vậy, chỉ cần đưa thông tin định hướng quy hoạch ngành (chức năng các khu đất) vào QHXD là xong.
Ở TPHCM, may ra các huyện ngoại thành còn nhiều đất nông nghiệp có thể cần quy hoạch sử dụng đất, chứ các quận nội thành chắc chắn không cần đến.
* Nếu vậy, chúng ta cần có một đầu mối kết nối những thông tin quy hoạch này?
Đúng vậy! Nhưng hiện nay không chỉ các sở, ngành TP mà cả các bộ, ngành Trung ương cũng thiếu phối hợp với nhau. Sở Quy hoạch - Kiến trúc tuy là tham mưu cho TP về công tác QHXD nhưng không làm nổi nhiệm vụ phối hợp này.
Thậm chí nhiều khi còn phải chạy theo các ngành khác, dẫn đến tình trạng vừa bị ràng buộc bởi các quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng vừa không đủ thẩm quyền giải quyết những vấn đề thực tiễn. “Nhạc trưởng” tổ chức quy hoạch phải là người đứng đầu TP mới có đủ quyền lực chi phối tất cả các sở, ngành và phối kết các loại quy hoạch lại với nhau.
Gom cơ quan làm quy hoạch về một mối
“Quy hoạch thiếu đồng bộ là chuyện ai cũng biết. Phân quyền nhiều quá thì làm sao đồng bộ được? Để quy hoạch ngành tự làm là nát hết quy hoạch tổng thể”- một chuyên gia quy hoạch của Bộ Xây dựng nói.
Chuyên gia này phân tích, có một thời TPHCM làm quy hoạch theo kiểu “bí đâu gỡ đó”, chỉ quan tâm đến quy hoạch tổng thể mặt bằng và giao thông để quản lý việc xây dựng. Những yếu tố khác như: hướng thoát nước mưa, cao độ nền... bị bỏ lơ nên bây giờ mới phát sinh hậu quả. “Các cơ quan hành chính vẫn mang nặng tính “chuyện mình mình biết”, không chủ động cập nhật thông tin quy hoạch đã được phê duyệt từ các ngành khác nên thiếu phối hợp”- ông nói.
Hiện Chính phủ đang có động thái điều chỉnh bất hợp lý này bằng dự định gộp các viện quy hoạch của bộ ngành làm một. TPHCM cũng nên gom hết bộ phận làm quy hoạch của các sở ngành về một cơ quan quy hoạch duy nhất.