Sở TN-MT TP. Hồ Chí Minh vừa trình UBND Thành phố dự thảo quy định về hạn mức tối thiểu để tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất. Theo dự thảo, thì hạn mức tối thiểu để tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn Thành phố được chia theo từng nhóm quận, huyện. Hạn mức này cũng khác nhau giữa đất có nhà và đất chưa có nhà ở và đất phi nông nghiệp khác.
Nhóm thứ nhất gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh. Theo đó, nếu đất ở không có nhà thì diện tích phải từ 50 m2 trở lên, chiều ngang miếng đất phải từ 5 m trở lên mới được tách thửa.
Đối với đất đã có nhà ở thì diện tích tối thiểu lớn hay nhỏ tùy thuộc vào lộ giới đường dẫn vào nhà, đất đó. Nếu đường phố có lộ giới trên 20 m thì diện tích tối thiểu này là 45 m2 với điều kiện chiều ngang và chiều rộng của miếng đất phải từ 5 m trở lên. Nếu đường phố có lộ giới dưới 20 m thì diện tích tối thiểu này là 36 m2 với điều kiện chiều ngang và chiều dài miếng đất phải từ 4m trở lên. Các loại đất phi nông nghiệp khác trong phạm vi các quận này phải bảo đảm diện tích tối thiểu 500 m2 mới được tách thửa.
Nhóm thứ hai gồm các quận 2, 7, 9, 12, Tân Phú, Thủ Đức, thị trấn các huyện và khu vực thuộc huyện được quy hoạch đô thị hóa thì diện tích tối thiểu của đất chưa có nhà ở được tách thửa là 80 m2, đất có nhà ở hiện hữu là 60 m2 và đất phi nông nghiệp khác là 500 m2. Nhóm thứ ba gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, trừ thị trấn các huyện và khu vực được quy hoạch đô thị hóa, diện tích tối thiểu được tách thửa, chuyển mục đích sử dụng cho đất chưa có nhà ở là 160 m2, đất có nhà ở hiện hữu là 80 m2, đất nông nghiệp là 1.000 m2, đất nông nghiệp khác là 500 m2.
Dự thảo quy định: những hạn mức trên chỉ áp dụng đối với những khu vực tách thửa mới. Quy định này không áp dụng đối với những trường hợp đất hiện hữu hoặc đã tách thửa trước ngày quy định này có hiệu lực.
Quy định trên cũng không áp dụng đối với các trường hợp tách thửa do Nhà nước thu hồi một phần diện tích đất, việc tách thửa đã qua công chứng, chứng thực hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép trước ngày quyết định này có hiệu lực. Khi thực hiện nhu cầu tách thửa, các thửa đất được hình thành do tách thửa không nhỏ hơn diện tích tối thiểu được quy định và không trái với quy chuẩn xây dựng. Quy định này không áp dựng cho các trường hợp: bán nhà theo Nghị định 61/CP
Quy định trên cũng nêu rõ các trường hợp không được tách thửa, gồm: Khu vực Nhà nước có quy định phải bảo tồn. Các khu vực biệt thự theo quy hoạch; đất ở thuộc các dự án đã được Nhà nước giao đất, cấp GCNQSDĐ theo từng nền đất theo quy hoạch được duyệt; đất thuộc khu vực đã có cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.
Trường hợp quy hoạch chi tiết này không còn phù hợp mà người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa, phải được cơ quan có thầm quyền duyệt quy hoạch chấp thuận. Trường hợp vị trí nhà, đất ở thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố thì không được tách thửa.
Trường hợp tách thửa để nhập với thửa đất liền kề được phép có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu, nhưng diện tích thửa đất còn lại phải lớn hơn diện tích tối thiểu theo quy định. Trường hợp điều chỉnh ranh giới giữa các thửa để có hình thể thửa phù hợp mà có diện tích nhỏ hơn diện tích quy định trên thì do Chủ tịch UBND quận huyện xem xét quyết định.
Đối với đất sản xuất kinh doanh, việc tách thửa đất phải có dự án đầu tư phù hợp quy hoạch được cơ quan cấp thẩm quyền duyệt, đảm bảo mật độ xây dựng, đảm bảo phòng cháy, chữa cháy… Đối với đất nông nghiệp, trường hợp thửa đất thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố để chuyển sang mục đích phi nông nghiệp thì không được tách thửa, không được chuyển mục đích sử dụng đất…
Những trường hợp hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc khi thừa kế, hòa giải tranh chấp có nhu cầu, UBND quận, huyện căn cứ quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật đô thị, điều kiện để hợp khối, cảnh quan khu vực và quy chuẩn xây dựng để giải quyết
Quy định này cũng nêu rõ: UBND quận, huyện phải thường xuyên kiểm tra quản lý chặt chẽ việc thực hiện đảm bảo được hạ tầng đô thị theo quy hoạch và không làm phát sinh hậu quả trong công tác quản lý nhà, đất sau này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, UBND quận huyện báo cáo về Sở TN-MT để phối hợp các ngành liên quan hướng dẫn giải quyết hoặc tổng hợp tình hình trình UBND Thành phố xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng phòng Đăng ký đất, Sở TN-MT cho biết: Dự thảo quy định về hạn mức tối thiểu để tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất đã được Sở nghiên cứu và xây dựng khoa học trên tình hình thực tế sử dụng đất và đã được đông đảo các ban ngành, các địa phương đóng góp ý kiến. Việc sớm ban hành quy định mới về hạn mức tối thiểu để tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất là rất cần thiết, sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố.