Sáng 18/9, qui hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội đã được đưa ra lấy ý kiến người dân. Đây là công trình của tổ dự án Hà Nội - Seoul. Để thực hiện dự án thành phố hai bên sông Hồng cần số tiền đầu tư lên tới 7 tỉ USD và phải di dời khoảng 170.000 dân. Đô thị an toàn với lũ
Theo đó, hình ảnh qui hoạch đô thị ven sông Hồng sẽ là một đô thị an toàn đối với thiệt hại của lũ; bao gồm trung tâm văn hóa và hoạt động kinh tế, khu vui chơi giải trí của nhân dân. Khu đoạn 3 được khẳng định liên kết với các khu vực Hoàn Kiếm xây dựng không gian mở của trung tâm văn hóa lịch sử; cung cấp địa điểm cho việc giáo dục lịch sử, du lịch sinh thái. Đồng thời sẽ hình thành các tuyến đường tham quan dọc ven sông Hồng.
Cụ thể, sau khi chỉnh trị sông Hồng, TP sẽ phát triển đô thị trên diện tích gần 2.500ha đất mới phát sinh. Dự kiến khu đô thị mới này sẽ cung cấp khoảng 97.000 căn hộ, thửa đất. Xen kẽ là các khu vực phân phối hàng đa chức năng, công trình công cộng, khu công nghệ... với qui mô dân số trên 342.000 người.
Theo tính toán, để đáp ứng được quĩ nhà ở, nhu cầu đi lại sẽ phải bắt đầu từ việc chỉnh trị sông Hồng, cải tạo, gia cố hệ thống đê, hệ thống đường đê, đường chui... Trong đó, phải xây dựng bốn cầu lớn, bốn đường xe ngầm và chín bãi đỗ xe công cộng.
Theo các chuyên gia Hàn Quốc trong tổ dự án Hà Nội - Seoul, số tiền đầu tư cho việc chỉnh trị sông, xây dựng công viên, đường giao thông, phát triển nhà, bồi thường cho các hộ dân... lên tới 7 tỉ USD.
Giám đốc Sở Qui hoạch - kiến trúc Tô Anh Tuấn cho biết, trước mắt sẽ tổ chức lấy ý kiến của người dân về qui hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội trong thời gian từ ngày 18 đến 29-9.Qui hoạch cụ thể, chi tiết sẽ tiếp tục được trưng bày tại Cung thể thao Quần Ngựa trong tháng 11/2007.
Thân thiện với thiên nhiên
Ngoài việc xây dựng thêm đê mới để ổn định dòng lũ và tận dụng đê hiện tại thành tuyến đê 2, cải tạo sáu bến cảng dọc 40km sông Hồng, tổ dự án Hà Nội - Seoul cho biết tổng diện tích qui hoạch công viên (không gian mở) ven sông Hồng được dự định là 4.200ha. Trong đó, khoảng 80% (3.360ha) sẽ được sử dụng vào mục đích chính là bảo tồn và khôi phục môi trường sông, 20% còn lại là sử dụng chính dòng sông để tạo nên một "sức sống mới" cho toàn bộ dự án.
Công viên ven sông không có nghĩa chỉ "gói gọn" ở một vị trí nào đó mà được qui hoạch xen kẽ, men theo dọc sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Theo tính toán của tổ nghiên cứu, tại nhiều nơi sẽ hình thành các khu bảo tồn thiên nhiên; đường cây xanh dành cho người đi bộ; đường chạy marathon ven sông; không gian thể thao tổng hợp; kè bậc thang để người dân ngồi chơi, hóng mát...
Đặc biệt, dự án tính đến việc bảo tồn di tích văn hóa lịch sử sông Hồng và qui hoạch lộ trình khám phá lịch sử ven sông bằng du thuyền. Trục văn hóa truyền thống hồ Tây - Cổ Loa được chú trọng gìn giữ, phát triển. Tại khu vực 2 (urban core), một khu phức hợp quốc tế kỹ thuật cao dự tính hình thành với quảng trường đi bộ trung tâm (bờ sông Hồng phía gần hồ Tây), khu nghỉ dưỡng Ngọc Thụy với đồi hóng gió (bờ sông Hồng phía Long Biên, Gia Lâm)...
Theo dự thảo qui hoạch chỉ hai tháng nữa sẽ hoàn tất để trình duyệt, khu phục hồi sinh thái ven sông sẽ nằm ở khu vực Võng La và Từ Liêm, công viên thể thao ở Đông Anh, công viên văn hóa lịch sử ở Hoàn Kiếm, công viên mở dành cho cư dân đô thị ở Tây Hồ, đầm lầy lọc nước ven sông ở Hoàng Mai...Một chuyên gia nhận định: sự thân thiện với thiên nhiên chính là ưu điểm lớn nhất của "đại dự án" qui hoạch thành phố đôi bờ sông Hồng này.
Di dời 170.000 dân
Để thực hiện dự án thành phố hai bên bờ sông Hồng, tổ trưởng tổ dự án sông Hồng - Hà Nội Lee Sang Yuol cho biết toàn bộ số lượng người dân sinh sống tại khu vực ngoài đê sông Hồng, theo ước tính khoảng 170.000 dân (tương đương 39.000 hộ), sẽ phải di dời vào khu vực an toàn. Các phương án bồi thường cho số lượng lớn hộ dân là nhận tiền mặt, hoặc cung cấp căn hộ chung cư có diện tích bình quân 60-105m2.
Theo tính toán của các nhà lập qui hoạch, khi dự án được triển khai, dự kiến công việc di dân kéo dài trong khoảng 12 năm, từ 2008-2020. Quá trình di dân được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn di dân đầu tiên sẽ kéo dài từ năm 2008-2012, thời điểm này sẽ tổ chức di dời hơn 11.000 hộ dân tại khu vực điểm cuối dự án cầu Thăng Long.
Giai đoạn tiếp theo từ năm 2013-2016, tiếp tục chuyển hơn 19.300 hộ dân đoạn từ dự án cầu Thăng Long đến dự án cầu Thanh Trì. Giai đoạn cuối từ năm 2017-2020, di dời gần 8.700 hộ dân ở khu vực đoạn cầu Thanh Trì (điểm cuối dự án).
Quĩ nhà mới sẽ cung cấp chỗ ở tái định cư cho khoảng 29.000 hộ. Tuy nhiên, riêng phần kinh phí dành cho bồi thường, tái định cư 39.000 hộ dân ngoài đê phải di dời lên tới trên 1,5 tỉ USD.
Đại diện của Sở Qui hoạch - kiến trúc cho rằng việc di dời tất cả 170.000 hộ dân khu vực ngoài đê sông Hồng là điều khó khăn. Thực tế, vấn đề giải phóng mặt bằng liên quan đến số lượng lớn các hộ dân luôn là vấn đề phức tạp. Theo đại diện sở này, khi thực hiện chỉ nên di dời dân trong hành lang thoát lũ, việc thực hiện di dời dân sinh sống phía trong đê mới cần phải cân nhắc.
Theo VietNamNet